Xu hướng

Gợi ý thực đơn ngày Tết dễ làm, đậm đà hương vị truyền thống

Ngày đăng: 07.01.2023 - 11:35

Để có được những ngày tết trọn vẹn chúng ta đều mất rất nhiều thời gian và công sức. Kể cả việc lên thực đơn ngày Tết cũng không phải là một điều đơn giản. 

Ăn uống ngày tết có quan trọng không mà gia đình nào cũng tất bật chuẩn bị? Câu trả lời là rất quan trọng. Bởi thời khắc một năm cũ đang dần trôi qua để đón một năm mới nữa lại đến luôn đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc. Một năm mới bắt đầu ai cũng muốn làm mọi việc chu toàn nhất, đẹp đẽ nhất để cả năm được suôn sẻ, tốt đẹp. 

Bởi vậy, tất cả công sức chúng ta chuẩn bị cho ngôi nhà, cho dáng vẻ con người, cho mâm cơm cúng ông bà hay mâm cơm gia đình trong ngày tết cũng chỉ mong để những người thân trong gia đình được ngồi lại thưởng thức một mâm cơm đầy đủ cả về tình cảm lẫn món ăn. 

Và nếu bạn vẫn đang lo lắng về ý tưởng lên thực đơn ngày tết cho gia đình thì hãy theo dõi bài viết này từ Siêu thị điện máy Nguyễn Kim ngay nhé. Mình sẽ gợi ý đến các bạn những món ăn ngày tết đơn giản nhưng lên mâm lại vô cùng đặc sắc và mang đậm bản sắc truyền thống người Việt Nam.

thực đơn ngày Tết
Chuẩn bị đầy đủ và chu đáo cho mâm cơm ngày Tết

Đôi điều về ngày Tết Nguyên Đán 

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết. Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam.

“Tết” là cách đọc âm Hán - Việt của chữ “tiết”, “nguyên” theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.

Tết Nguyên Đán của Việt Nam được tính theo Âm lịch, muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Thời gian diễn ra Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài 23 tháng Chạp đến hết ngày 3 tháng Giêng.

Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,…Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh.

Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ. Do vậy, vào dịp Tết, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp.

Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Trong dịp Tết, các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua.  

Tết nguyên đán 2023 vào ngày nào dương lịch? Mùng 1 tết âm lịch 2023 vào thứ mấy?

Gợi ý thực đơn ngày Tết đẹp mắt, dễ làm, mang đậm màu sắc truyền thống

1. Nem rán- thực đơn ngày Tết không thể thiếu

Đây là món ăn không hề xa lạ gì trong thực đơn ngày tết của mọi nhà. Thậm chí cũng là món ăn thường xuyên được xuất hiện trong bữa ăn của nhiều gia đình. Mặc dù là món ăn quen thuộc nhưng không hẳn ai cũng biết làm phải không các bạn. Mình sẽ chia sẻ chi tiết để các bạn thấy làm món nem rán đơn giản như thế nào nhé!

nem rán
Nem rán- Món ăn quen thuộc của người Việt Nam

Nguyên liệu:

  • 20g nấm hương khô
  • 20g mộc nhĩ
  • 30g miến
  • 20g hành lá (khoảng 2 nhánh)
  • 20g mùi ta
  • 100g cà rốt
  • 120g su hào
  • 50g giá đỗ
  • 70g hành tây
  • Trứng
  • Thịt băm
  • 5 thìa canh nước tương (xì dầu)
  • 1 thìa cà phê (1 teaspoon) tiêu đen
  • Nước lọc và dấm
  • Vỏ Ram hoặc vỏ bánh đa nem (bánh tráng)

Hướng dẫn:

  • Nấm hương khô, mộc nhĩ, miến ngâm với nước ẩm khoảng 10 phút cho mềm. Sau đó nấm hương, mộc nhĩ băm nhỏ và miến cắt khúc. Các nguyên liệu nên để thật ráo nước.
  • Thịt lợn băm nhỏ
  • Cà rốt, su hào thì thái sợi chỉ; còn hành tây thì cắt lát.
  • Mùi ta, hành lá sơ chế rồi thái nhỏ. Giá đỗ rửa sạch và để ráo nước.
  • Chuẩn bị một bát to: cho thịt xay vào cùng các loại rau củ, trộn đều với nước tương và tiêu. Để nhân nghỉ khoảng 5 phút để nguyên liệu ngấm gia vị.
  • Cho chảo lên bếp và xào qua các nguyên liệu trước khi gói nem, đảo trên lửa nhỏ tầm 5 phút. Việc này giúp rán nem nhanh chín và đỡ hút dầu hơn.

Chuẩn bị gói nem. Ở đây mình dùng vỏ ram, dai và dễ gói hơn vỏ bánh đa nem, nem thành phẩm theo cảm nhận cá nhân của mình cũng ngon hơn. Bạn pha một bát nước nhỏ với dấm, phết lên vỏ ram, để bánh rán được giòn ngon hơn. Bạn nên cho nhân vừa phải, gói vừa tay, tránh gói lỏng hoặc chặt tay quá làm nem bị bục.

Chuẩn bị chảo để rán nem. Bạn nên chờ dầu nóng mới thả nem vào. Có 2 cách chiên. Cách thứ nhất, nếu bạn có nhiều thời gian thì chiên 2 lần. Lần một, lửa nhỏ để nem chín sơ. Lần 2 lửa to để nem giòn. Chiên cách này nem sẽ giòn lâu hơn. Hôm nay thì mình chiên theo cách thứ 2, tức là chỉ chiên qua một lần vì ăn nem luôn nên nem vẫn giòn ngon.

Xong xuôi, bạn để nem trên giấy thấm dầu để nem nguội bớt. Ăn kèm nem với rau sống và nước mắm chấm nhé. 

2. Gỏi chân gà sốt thái

Gỏi chân gà Thái Lan - món gỏi chua chua ngọt ngọt với nước sốt đậm đà vô cùng hấp dẫn, ngon miệng. Hãy cùng Siêu thị điện máy Nguyễn Kim thử tài chế biến với món ăn này nhé!

thực đơn ngày tết chân gà gỏi sốt thái
Gỏi chân gà sốt thái

Cách chế biến chân gà

Nguyên liệu:

  • Chân gà 500g
  • Xoài xanh cứng 1 quả to (cóc Thái)
  • Sả 2 cây
  • Hành tím, tỏi, ớt, gừng tuỳ thích
  • Tắt 4~5 quả
  • Muối: 1 muỗng cafe
  • Rượu nấu ăn 2 muỗng canh
  • Gừng, sả đập dập
  • Muối 1 muỗng cafe
  • Giấm ăn 3 muỗng canh
  • Dung dịch ngâm chân gà khử mùi

Hướng dẫn:

  • Ngâm chân gà bằng dung dịch ngâm chân gà
  • Luộc chân gà để rửa sạch trước khi làm
  • Chân gà cắt sạch móng cho muối và rượu vào trộn đều ngâm 30 phút khử mùi.
  • Gừng sả cắt nhỏ đập dập. Nấu nước sôi cho sả, gừng muối chân gà vào luộc 5~7 phút cho chín vừa. Không luộc quá lâu chân gà mềm nhũng không ngon nhé.
  • Vớt chân gà ra cho vào thau nước đá ngâm 10phút. Vớt ra để ráo nước.
  • Rau củ cắt nhỏ vừa ăn.

Cách làm sốt Thái chấm chân gà

Nguyên liệu và cách làm:

  • Nước mắm 2 muỗng canh
  • Đường 2 muỗng canh
  • Mật ong 2 muỗng canh
  • Tương ớt 2 muỗng canh
  • Ớt bột 2 muỗng cafe

Cho chảo lên bếp đổ dầu ăn, tỏi, hành vào phi cho vàng thơm, tắt bếp. Cho tất cả gia vị vào trộn đều nấu cho sôi. Tắt bếp để nguội.

Nước chấm muối chanh

  • Muối 1 muỗng cafe
  • Đường 1 muỗng canh
  • Bột nêm 1 muỗng cafe
  • Ớt (tùy theo sở thích ăn cay mà bạn cho nhiều hay ít)
  • Tiêu 1 ít

Cho tất cả nguyên liệu vào thau trộn đều đậy nắp kín để 2~3h cho ngấm gia vị.

3. Hành củ kiệu muối

Món hành củ muối phải nói không thể thiếu được trong thực đơn ngày Tết. Ăn rất dễ bị nghiện mà đặc biệt ăn hành giúp chúng ta bớt cảm thấy dễ tiêu hơn khi phải ăn quá nhiều các món ăn ngày tết. 

thực đơn ngày tết hành củ kiệu muối
Thực đơn ngày tết hành củ kiệu muối

Củ kiệu muối khô

Nguyên liệu:

  • Hành củ :(có thể dùng hành tía thì vị đậm hơn) : 2kg
  • Gừng: 200gr
  • Tỏi: 3-4 củ
  • Muối hạt: 1 bát chấm
  • Đường: 1,5 bát chấm 
  • Nước vo gạo

Cách làm:

  • Hành mua về ngâm nước vo gạo 3-4h cho bớt hăng.
  • Sau đó cắt bỏ rễ hành, bóc bớt vỏ ngoài và cắt bớt phần đầu xanh của hành cho đỡ dai
  • Làm sạch hành xong các anh chị ngâm hành với nước muối loãng khoảng 5' rồi vớt ra rửa sạch để ráo.
  • Gừng, tỏi bóc vỏ, rửa sạch và giã nát ạ.
  • Cho hành, gừng, tỏi, muối, đường và một chiếc nồi đủ rộng, đảo đều đến lúc đường muối tan hết. 
  • Đổ thành phẩm vào hũ sành, nén chặt là ngon nhất, không có thì lọ thuỷ tinh rồi dùng đũa nén dần cho chặt
  • Để góc bếp khoảng 1 tuần là hành chín vừa ngon.

Kim chi củ kiệu

Tết sắp đến là nhà hay làm củ kiệu chua ngọt hay ngâm mặn để ăn kèm bánh chưng, mọi người thử biến tấu 1 chút với kim chi củ kiệu xem sao nhé, mình làm trong vòng 30 phút nguyên liệu đơn giản, dễ thực hiện, vừa làm vừa nghe nhạc remix, nhanh lắm ý.

Nguyên liệu:

  • Kiệu làm sẵn, đã cắt rễ, phơi 1 nắng, trắng: 500gr
  • Táo, cà rốt, củ cải, hành tây, tỏi, gừng: 1 quả
  • Ớt bột hàn quốc: 50gr

Cách làm:

  • Hành tây cắt sợi, cà rốt, củ cải bào sợi
  • Táo, tỏi, gừng: xay mịn (thêm vài hạt muối, xíu nước cho dễ xay)
  • Cho tất cả hỗn hợp vào, cho củ kiệu, thêm 1 chén mắm nhỏ
  • Cho vào hũ: 3 ngày ăn ngon

4. Thịt đông

Trong thú ẩm thực phong phú của người Việt, có một món ăn khá độc đáo, đó là thịt đông. Món ăn độc đáo ở chỗ là ăn khi đã để nguội lạnh, mà thường ăn vào những ngày Đông giá hay lúc Xuân sang.

Với thời tiết như ở Việt Nam, món ăn này phổ biến hơn và được coi như món ăn khá đặc trưng của thực đơn ngày Tết miền Bắc trong mùa Đông.

thực đơn ngày tết món thịt đông
Món ăn đặc trưng của miền Bắc vào mùa Đông

Nguyên liệu:

  • Bắp giò trước : 2 cái
  • Gà mái đẻ rồi : 1 con tầm 1,5kg chọn con da vàng.
  • Nửa kg bì lợn sạch lông
  • Mộc nhĩ
  • Nấm hương

Cách làm:

  • Gà làm sạch chặt nhỏ như rang
  • Đun nc sôi thả bắp giò vào trần qua sau đó bỏ ra rửa lại cạo sạch lông. Sau đó thái miếng vuông như kho tàu. Vừa k to k nhỏ.
  • Cho bì vào trần qua ở nước vừa trần thịt sau đó vớt ra rửa sạch để cả miếng to mộc nhĩ. Nấm hương ngâm nước sôi. Rồi rửa sạch thái nhỏ
  • Cho tất cả nguyên liệu trên vào 1 cái nồi to. Cho gia vị. Hạt nêm. Muối trắng. Nên cho mặn vì lát còn đổ nhiều nước
  • Ướp tầm 30p-1tiếng
  • Khi thịt đã ngấm. Thì đun nc sôi đổ vào bắc lên bếp đun. Cho nước gần gấp đôi thể tích thịt.
  • Khi nào sôi thì cho nhỏ lửa sôi lăn tăn. Và vớt hết bọt. Cứ đun như vậy tầm 1,5 tiếng
  • Gần chín thì cho thêm nước mắm cho dậy mùi. Lúc gần bắc ra thì cho mì chính. Và hạt tiêu. Đảo đều r tắt bếp. Sau đó múc ra bát để nguội.

5. Tai heo trộn chua ngọt

Ngoài mấy món truyền thống ngày Tết ra thì việc bổ sung các món nộm, gỏi vào mâm cơm những ngày Tết là rất cần thiết, vừa đa dạng các món ăn vừa căn bằng hài hoà, chống ngán với vị chua ngọt cay cay cùng rất nhiều các loại rau ăn kèm. Tai heo trộn chua ngọt sẽ là một trong những món ăn mà bạn nên có trong thực đơn ngày Tết.

nộm tai heo
Tai heo trộn chua ngọt

Nguyên liệu: 

  • Tai heo: 1 cái
  • Dưa chuột
  • Cà rốt
  • Rau mùi
  • Sả, tỏi, ớt
  • Quất, đường, nước mắm. 

Cách làm: 

  • Tai làm sạch lông, rửa sạch luộc với hành lá và 1 củ gừng trong 30-40 phút. 
  • Vớt tai ra bát nước đá cho tai giòn hơn, thái mỏng. 
  • Dưa chuột, cà rốt thái miếng tuỳ thích. 
  • Sả thái lát mỏng. 
  • Pha nước trộn: 5 thìa nước mắm, 5 thìa đường, 5 thìa nước quất, rau mùi, 2 thìa ớt, 2 thìa tỏi băm. 
  • Trộn tất cả nguyên liệu trên với nước trộn , thêm lạc rang giã nhỏ rồi thưởng thức. 

Một món ăn đơn giản, dễ chế biến, một gợi ý cho mâm cơm những ngày cuối năm và trong dịp Tết, chúc mọi người thành công với món ăn này ạ, em cảm ơn mọi người rất nhiều.

6. Giò xào

Mâm cỗ ngày Tết sẽ thêm phần đầy đặn, ấm cúng hơn khi có nhiều món ngon cùng gia đình thưởng thức. Với cách làm giò xào, bạn sẽ có được món ngon đích thực mà lại đậm đà bản sắc quê hương.

Thực đơn ngày tết món giò xào
Món giò xào luôn là món ăn xuất hiện trong thực đơn ngày Tết hàng năm

Nguyên Liệu:

  • 1,5kg giò
  • 2 cái tai ( liền mũi ) yêu cầu người bán lọc bớt chỗ ko ngon và mỡ
  • 1 cái lưỡi to
  • mọc nhĩ 100gr
  • Lá chuối
  • Khuôn giò
  • Hạt tiêu
  • Nước mắm ngon
  • Gia vị

Cách làm:

  • Tai mũi lưỡi về rửa sạch với muối trắng
  • Đun sôi nồi nước thả tai mũi lưỡi vào trần qua. Vớt ra làm sạch lại lần nữa. Trần kĩ sẽ khó cạo lông và lưỡi.
  • Sau đó lại cho vào luộc chín 60%
  • Thái tai mũi theo chiều dài nhất có thể. Độ dày vừa phải. Trộn nước mắm gia vị vừa đủ cho ngấm
  • Mọc nhĩ nấm hương làm sạch thái dài dày 0,5cm. Xào với mỡ cho săn lại rồi cho 1 chút nước mắm
  • Lá chuối rửa sạch lau khô.
  • Lót lá chuối vào khuôn trước. Sau đó xào tai mũi lưỡi. Chú ý là xào vừa đủ 1 khuôn. Đảo đều tay. Xào kĩ cho đến khi ra mỡ và miếng thịt xăn lại. Đổ mọc nhĩ đã xào vào đảo đều. Nếm cho vừa. Cho chút bột ngọt và nhiều hạt tiêu ( hạt tiêu chỉ giã dập )
  • Tắt bếp cho luôn thịt vào khuôn
  • Cho dần dần vừa cho vừa lấy chày nén thật chặt. Sau đó lót lá lên trên và vặn ốc nén chặt.
  • Để bên ngoài thật nguội. Cho vào tủ lạnh tầm 6 tiếng là ăn được
  • Chú ý : Xào kĩ. Nén chặt. Để nguội. 

7. Thịt kho trứng

Thịt kho trứng cho ngày mùng 1 may mắn. Thịt kho trứng vịt là món ăn ngày Tết truyền thống của người phương Nam. Một nồi thịt lớn mang lại ý nghĩa sung túc, đủ đầy cho cả năm.

thực đơn ngày Tết thịt kho trứng
Thịt kho trứng- thực đơn ngày tết biểu tượng cho sự tròn đầy, viên mãn

Nguyên liệu: 

  • Thịt: 1,5 kg
  • Trứng vịt: 10-15 quả
  • Dừa tươi: 2 trái
  • Ớt sừng đỏ không cay: 2 trái
  • Gia vị

Cách làm:

  • Thịt chọn thịt đùi hay ba rọi tuỳ theo sở thích, bạn cũng có thể kho thêm sườn cũng ngon. Khi chọn, tìm loại tươi ngon, miếng thịt chắc để khi kho không bị rời, nhìn không đẹp.
  • Thịt mua về cạo sạch lông ở da, cắt miếng to vừa. Rửa với chanh và muối cho sạch, để thật ráo.
  • Ớt sừng rửa sạch, bỏ cuống và hạt bên trong. Hành đỏ lấy 100 gr bỏ vỏ, tỏi 1 củ nhỏ bỏ vỏ. Cho ớt, hành và tỏi vào cối giã nhỏ và vắt lấy nước bỏ phần xát.
  • Ướp thịt: 100 gr đường phèn hoặc đường cát, 2 thìa cà phê muối, hơn 1 thìa cà phê bột ngọt, 200 gr nước mắm (khoảng 1 chén ăn cơm), nước hành tỏi và ớt, 1 ít tiêu hạt đập dập. Trộn đều tất cả, ướp 2 - 4 tiếng và ướp trong nồi dùng để kho luôn.
  • Trứng rửa sạch cho nước vào luộc, cho ít muối. Trứng chín bóc vỏ.
  • Dừa tươi chọn quả có nước ngọt kho sẽ ngon và có màu đẹp, 2 trái dừa lấy nước khoảng gần 2 lít. Cho ít muối vào nước dừa cho có vị ngọt hơn và không bị chua.
  • Thịt sau khi đã ướp 2-4 tiếng cho lên bếp kho với lửa lớn vừa cho thịt săn và thấm gia vị hơn. Trong lúc đó, bạn cũng nấu nước dừa cho sôi.
  • Cho nước dừa vào nồi thịt đang kho, nấu với lửa lớn vừa cho sôi rồi hạ lửa vừa, nước trong nồi chỉ sôi nhẹ. Nấu khoảng 45 phút và thường xuyên hớt bọt, nêm lại cho vừa khẩu vị, cho trứng vào nấu thêm khoảng 20 phút nữa là tắt bếp. Để 3-5 tiếng rồi nấu với lửa vừa khoảng 1 tiếng để thịt mềm và lên màu đẹp.
  • Món thịt kho trứng mình có thể kho vào buổi tối rồi để qua đêm sáng hôm sau hâm lại (lửa nhỏ) 1-2 lần là thịt sẽ thơm ngon, mềm nhưng không nát và có màu rất đẹp.

8. Canh măng chuẩn vị Tết

Nếu muốn học cách nấu canh măng khô chuẩn vị Tết thì đây chính là công thức dành cho bạn. Hãy thử làm theo công thức này nhé!

canh măng khô nấu xương
Canh măng có thể nấu cùng xương, sườn, móng giò đều ăn rất ngon và dậy vị béo béo ở nước dùng

Nguyên liệu:

  • 200g măng khô
  • 400g xương lợn, móng giò có lẫn xương và thịt, hoặc sườn non
  • Nước mắm, muối, hạt nêm, tiêu
  • Hành lá và rau mùi thái nhỏ

Cách làm:

  • Sơ chế nguyên liệu
  • Măng khô đem ngâm với nước vo gạo từ 3-5 ngày để măng nở và loại bớt độc tố (thay nước ngâm măng từ 1-2 lần mỗi ngày).
  • Khi măng đã nở, xé thành miếng vừa ăn. Luộc măng 2 – 3 lần để làm sạch hoàn toàn.
  • Móng giò và sườn rửa sạch, chặt miếng vừa ăn (chần qua với nước sôi để giảm mùi hôi, làm sạch hiệu quả).
  • Măng sau khi luộc, để ráo thì xào qua với ít mắm và hạt nêm.
  • Cho móng giò và sườn vào nồi hầm, thêm lượng nước sao cho vưa ăn. Nhớ để ý nước sôi, vớt bọt để nồi canh được trong, đẹp mắt.
  • Tiếp tục cho phần măng xào vào nồi và ninh nấu.
  • Khi các nguyên liệu đã chín, mềm thì thả nắm miến đã ngâm trước đó vào nồi.
  • Nêm nếm vừa ăn rồi tắt bếp.
  • Thả hành củ, rắc hành lá, mùi tàu thái nhỏ vào nồi canh.

9. Canh mọc nấm

Canh mọc nấm hương  có vị ngọt từ những viên mọc và nước xương kết hợp với vị thanh của cà rốt, su hào. Ăn canh không hoặc ăn với cơm cũng đều rất ngon.

Nguyên liệu:

  • Thịt lợn xay nhuyễn, nấm hương, súp lơ xanh, su hào, cà rốt, nước xương hầm, gừng tươi
  • Gia vị: Muối, mắm, bột ngọt, hạt tiêu
  • Rau gia vị: Hành lá, hành củ, rau mùi

Cách làm:

  • Gọt sạch vỏ su hào, cà rốt, tỉa thành hình hoa và thái lát vừa ăn
  • Thái nhỏ hành khô, đập dập gừng
  • Hành lá, rau mùi bỏ cuống, rửa sạch rồi thái nhỏ
  • Ngâm nấm hương trong bát nước ấm cho thật mềm, dùng dao cắt bỏ hết phần cuống nấm, để riêng ra rổ cho ráo nước
  • Trộn đều hỗn hợp thịt lợn xay nhuyễn với gia vị. Sau đó viên thành từng viên nhỏ rồi tiếp tục nhồi vào trong từng chiếc nấm hương, tạo hình khum khum như chiếc mũ nấm.
  • Cho mọc nhồi nấm vào trong nồi nước dùng rồi đặt lên bếp luộc chín. Thêm chút hành khô, gừng tươi đập dập vào nồi nước dùng mọc đang nấu sao cho dậy hương thơm hấp dẫn. Đun tiếp khoảng 5 - 6 phút, sau đó vớt mọc ra bát.
  • Cho cà rốt vào trong nồi nước dùng vừa luộc nấm khoảng 5 đến 10 phút, rồi tiếp tục cho su hào, súp lơ vào đun khoảng 5 phút nữa, nêm một chút nước mắm và bột ngọt cho vừa miệng ăn rồi tắt bếp.
  • Múc canh ra bát tô và trang trí.

10. Gà luộc

Đây là món ăn truyền thống trên mâm cỗ của người Việt Nam. Dù là bất kỳ các dịp nào đi chăng nữa thì đều không thể thiếu món gà luộc. Mặc dù vậy chúng ta vẫn luôn cảm thấy ngon khi ăn món ăn này. Các bạn cùng tham khảo cách luộc gà sau đây nhé!

Hướng dẫn lựa gà

  • Biết cách luộc gà ngon, không rách da sẽ cho bạn và gia đình một bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng từ thịt gà. Tuy nhiên, cách luộc gà ngon còn tùy thuộc vào việc lựa gà và quá trình luộc.
  • Thịt gà là loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe nếu được chế biến ngon và ăn với lượng phù hợp. Thịt gà là nguồn cung cấp đạm dồi dào, nhưng lại chứa ít chất béo. Gà được luộc ngon vừa cung cấp năng lượng và nhiều dưỡng chất có giá trị, phù hợp với những người đang giảm cân và làm săn chắc cơ bắp.
    Chọn được gà ngon là yếu tố quyết định món gà luộc của bạn. Trước khi tìm hiểu cách luộc thịt gà ngon, bạn có thể tham khảo một số mẹo lựa gà ngon sau đây:
  • Nên chọn gà ta nặng khoảng 1,5 - 2kg. Luộc gà quá to có thể da gà sẽ bị nứt. Nếu muốn ngon hơn nữa, bạn nên chọn gà mái vừa mới đẻ trứng và trong bụng vẫn còn trứng non. Thịt gà loại này sẽ vừa mềm, thơm nhưng vẫn săn chắc.
  • Đối với gà đã được làm sẵn, bạn nên chọn gà có phần thân săn chắc, nhỏ gọn, ức gà nhỏ.
  • Gà ta sau khi làm sạch có đặc điểm là màu da vàng óng, nhưng đa phần ức, cánh, lưng sẽ có màu vàng đậm. Tránh chọn những con gà có da màu thâm tím, đốm hoặc nốt đen.
  • Cách luộc thịt gà ngon cũng phụ thuộc vào độ săn chắc của gà. Có thể kiểm tra độ săn chắc của thịt gà bằng cách dùng ngón tay ấn nhẹ vào phần thân, đùi, lườn gà.
  • Có thể ngửi xem gà có mùi hôi, ôi hoặc tiêm thuốc kháng sinh

Cách luộc thịt gà ngon và không rách da

  • Bước 1: Chà xát gà (cả ngoài lẫn trong bụng) với muối để làm sạch gà và khử mùi hôi, rửa lại với nước sạch. Bí quyết để không rách da khi luộc gà là sau khi rửa sạch gà nên chặt phần chân gà, da gà sẽ co lại khi luộc.
  • Bước 2: Chọn nồi có cao và rộng tương đương với kích thước gà đã mua để có thể luộc gà vừa chín đều, không bị teo và có hình dáng đẹp mắt. Trước khi cho gà vào nồi, dùng tăm cố định phần đầu gà với thân gà.
  • Bước 3: Cho gà vào nồi sao cho phần bụng ở dưới, phần đầu phía trên. Sau đó, cho nước lạnh vào ngập đầu gà và bắc nồi lên bếp, bật lửa to để luộc gà. Cách luộc thịt gà ngon là cho gừng, hành củ đã rửa sạch và đập dập vào nồi nước luộc gà, có thể cho thêm một ít bột canh hoặc muối. Bắt đầu luộc gà từ nước lạnh cho đến khi nước sôi sẽ giúp gà chín đều từ xương ra ngoài phần thịt.
  • Bước 4: Khi nước luộc gà sôi, giảm lửa và luộc gà thêm 10 phút. Chú ý luộc gà từ lúc lửa to đến lửa nhỏ thì đều không đậy nắp nồi lại. Hết 10 phút thì tắt bếp, đậy nắp nồi lại để thịt gà được chín đều, chờ trong 20 phút.
  • Bước 5: Vớt gà đã chín ra và cho gà vào nước đá lạnh để giúp thịt gà được dai và chắc, giữ màu da. Cách luộc gà ngon và da có màu vàng đẹp là dùng nghệ trộn với nước luộc gà rồi rưới đều lên da gà. Cách này cũng có thể thực hiện ở bước 1 trước khi luộc gà. Sau khi chế biến gà sạch sẽ thì xát nghệ toàn thân gà, để nghệ ngấm vào da gà khoảng 5 phút thì bắt đầu luộc gà.

11. Bánh chưng

Dù ở đâu trên mọi miền Tổ quốc thì đều không thể thiếu được hình ảnh bánh chưng trong ngày Tết. Bánh chưng gắn liền với truyền thuyết, trong những câu chuyện bà kể, in hằn trong tâm trí tuổi thơ hình ảnh bếp lửa nấu bánh,…Thực sự nhắc tới bánh Chưng là thấy Tết và hình ảnh này vẫn luôn đẹp đẽ và ý nghĩa đối với mỗi con người Việt Nam.

Bánh chưng
Bánh chưng- biểu tượng truyền thống của ngày Tết

Nguyên liệu:

  • Gạo nếp
  • Đỗ xanh
  • Thịt
  • Lá dong
  • Lạt 
  • Khuôn gói bánh (không bắt buộc)
  • Gia vị: Muối, tiêu, đường

Cách làm:

  • Trước khi làm bánh chưng, bạn sẽ phải tiến hành ngâm nếp trước. Tốt nhất bạn nên ngâm nếp qua đêm, hoặc chí ít cũng phải được 4 tiếng.
  • Bạn cũng nên ngâm nếp chung với lá riềng hoặc lá dứa để nếp có màu xanh, đồng thời cũng giúp nếp thơm hơn. Đậu xanh không vỏ cũng nên ngâm trong 4 tiếng hoặc để qua đêm.
  • Sau khi đã ngâm nếp xong, bạn đổ nếp ra rổ và để cho ráo nước. Rắc 1 đến 2 muỗng muối vào và dùng tay trộn đều nếp.
  • Đậu xanh cũng tiến hành tương tự, bạn đổ đậu ra cho ráo nước rồi trộn với muối và tiêu.
  • Tiếp đến, bạn ướp thịt với muối, tiêu và đường.
  • Để bánh vuông và đẹp hơn, bạn nên chuẩn bị cho mình một chiếc khung hình vuông để làm khuôn.
  • Tiếp theo, bạn xếp 4 lá dong. Xếp lá bằng cách gấp mép dưới lên, gấp mép bên trái qua để tạo đường nếp cho lá. Tiến hành thao tác tương tự cho 3 miếng lá còn lại. Sau đó đặt 4 lá xuống dưới khuôn rồi đổ nếp lên.
  • Bạn rải đều nếp ở 4 góc khuôn và để lõm ở giữa. Cho đậu xanh vào đó rồi để thịt lên rồi lại đến đậu xanh. Tiếp theo, bạn rải nếp lên phủ lại, cố gắng làm sao để lượng nếp và đậu xanh ở trên và dưới đồng đều nhau.
  • Cuối cùng, bạn gói bánh và dùng dây buộc lại. Bạn cũng nên nhớ không buộc quá chặt vì trong quá trình nấu trong nồi bánh sẽ còn nở ra nữa.
  • Đặt bánh vào nồi lớn và đổ nước ngập bánh. Thời gian để luộc một chiếc bánh cỡ nhỏ là khoảng 5 tiếng, với chiếc bánh lớn thì sẽ cần nhiều thời gian hơn.
  • Còn nếu dùng nồi áp suất, thời gian luộc của bạn sẽ rút ngắn xuống bớt, chỉ còn 1 tiếng. Bạn cũng cần chuẩn bị thêm một nồi nước sôi để khi nước trong nồi luộc cạn thì châm thêm nước vào kịp thời. Khi luộc bánh được nửa thời gian thì trở bánh lại, thay nước mới. Nếu không bánh sẽ bị sống, không chín đều.
  • Sau khi bánh chín thì vớt ra rồi cho ngay vào nồi nước lạnh ngâm trong 20 phút. Sau đó để bánh ráo nước rồi dùng vật hơi nặng đè lên bánh để ép nước ra, giúp bánh chưng không bị nhão và bảo quản được lâu hơn. Ép trong vòng 5 - 8 tiếng là được.

Khi công đoạn làm bánh hoàn tất, bạn có thể bảo quản bánh trong ngăn lạnh của tủ lạnh. Lúc có khách đến chỉ cần cho bánh vào lò vi sóng hăm lại là dùng được nhé!

Lưu ý:

  • Trong suốt thời gian luộc bánh, bạn cần phải chú ý đến các điều sau thì bánh mới ngon và không bị biến dạng, bục nát.
  • Trước khi xếp bánh chưng vào nồi, bạn cần xếp một lớp cuống lá dong bên dưới để bánh không bị cháy và dính đáy nồi.
  • Xếp bánh thành các tầng chồng lên nhau ngay ngắn và chặt để bánh được giữ cố định, phòng khi nước sôi có lực đẩy khiến bánh bị xô đẩy sẽ bị vỡ.
  • Sau khi nồi bánh chưng đã sôi, bạn giảm lửa (đối với nồi luộc bếp than, bếp củi) hoặc giảm nhiệt độ (đối với nồi luộc bánh chưng bằng điện). Chỉ để lửa liu riu trong suốt quá trình luộc bánh chưng.

12. Thịt bò khô tự làm

Làm món thịt bò khô quan trọng nhất chính là phải chuẩn vị. Đảm bảo miếng thịt bò khô thành phẩm phải có mức độ mùi vị sắp xếp theo thứ tự, nhất cay, nhì ngọt, ba mặn. Thịt bò thơm, mềm, cay nồng làm không khí tết thêm phần rôm rả.

thịt bò khô ngày Tết
Thịt bò khô tự làm

Nguyên liệu:

  • 1 kilogram thịt thăn bò
  • Sả tươi (6 – 8 cây)
  • 2 củ tỏi, 1 củ gừng, 1 quả chanh
  • Ớt tươi, ớt bột (tùy khẩu vị)
  • Gia vị: Muối, tiêu, nước mắm, đường
  • Ngũ vị hương 2 gói

Cách làm:

  • Thông thường thịt bò khô có hai loại chính, thịt bò khô sợi và bò khô miếng. Cách ướp, chế biến lẫn mùi vị đều giống nhau, chỉ khác kết cấu khi nhai của thịt sẽ khác. Thịt bò khô sợi mềm, thấm vị và dễ sử dụng cho cả người lớn, trẻ nhỏ và người già.
  • Thịt bò rửa sạch để ráo, sau đó thái thớ thịt bò thành những miếng dày khoảng 1cm và dài từ 10-20cm. Quý bạn đọc cần lưu ý thái thịt bò dọc thớ sẽ giúp thịt thành phẩm có độ dài, thấm vị và dễ xé hơn.
  • Pha chế gia vị và ướp thịt bò.
  • Băm nhuyễn các loại tỏi, gừng, sả (hoặc sử dụng cối xay). Ướp chung thịt bò với các loại gia vị, mỗi gia vị nêm nếm vừa ăn (khoảng 1 muỗm), ngũ vị hương, chanh và thêm tỏi, gừng, sả sau cùng. Mát-xa cho thịt trong khoảng 15-20 phút và để thịt nghỉ qua đêm (từ 8 đến 10 tiếng).
  • Trong quá trình ướp, quý bạn đọc cũng nên thao tác lại việc mát-xa cho thịt sau đó bọc lại màng bọc thực phẩm để thịt thấm đều.
  • Chế biến thịt bò khô

- Với gia đình sử dụng lò nướng

  • Thịt bò sau khi lấy ra, đem xào trên chảo lớn đế dày với lửa nhỏ trong 30 – 45 phút. Thường xuyên lật thịt và đảo đều tay mỗi khi lật. Vì thịt bò tự tiết ra nước nên quý bạn đọc có thể không cần thêm nước trong quá trình nấu, nếu quá lửa hoặc sao nhãng có thể bổ sung thêm nước vào chảo nhưng nên là nước ấm. Nước thêm vào cần phải xử lý hạn chế, tránh quá nhiều nước làm thịt bò mất vị.
  • Thịt bò thấm nước, chảo cạn và thịt ngả màu nâu thì tắt bếp sau đó dàn thịt ra khay nướng. Bật lò ở nhiệt độ 100 đến 120 độ C.
  • Từ công đoạn này, quý bạn đọc có thể chọn lựa hình thức của thành phẩm. Nếu muốn làm thịt bò miếng hãy ép mỏng thịt, dàn đều lên khay để nướng. Nếu muốn chế biến thịt bò sợi chỉ cần xé sợi hoặc giã thịt bò trong cối đến khi thịt bò phân thành nhiều sợi nhỏ.
  • Sau cùng, dàn đều thịt bò trên khay nướng, nướng bò trong thời gian 10 phút với nhiệt độ 100 độ C, cứ mỗi 10 phút lại lật thịt bò và nướng tiếp. Thao tác 3 đến 4 lần (tức 30 – 40 phút) thịt bò sẽ khô lại. Nếu thịt bò mất nước quá nhanh hay nhiệt độ quá cao có thể dùng quẹt quét dầu hoặc nước gia vị còn thừa để bổ sung độ ẩm cho thịt.

- Với gia đình không sử dụng lò nướng

  • Nồi cơm điện là lựa chọn cho quý bạn đọc không sử dụng lò nướng nhưng vẫn muốn có món thịt thơm ngon. Đầu tiên cắt lát thêm 1 củ gừng và dàn mỏng dưới đáy nồi.
  • Khi thịt ướp đủ thời gian, chỉ cần để thịt vào trong nồi và bật chế độ “cook”. Mỗi khi nồi báo chín chuyển sang chế độ “warm” - giữ nhiệt, bạn đọc mở nồi trở mặt thịt, sau đó lại bật lại chế độ cook. Đến khi thịt chín và khô lại, có thể tự xé sợi là món bò đã hoàn thành.
  • Cách này sẽ lấy nhiều thời gian của bạn hơn, nhưng không cần phải canh lửa, căn giờ lại tiện lợi.

Gợi ý thực đơn món chay ngày tết

Nhu cầu ăn chay hiện nay ngày càng đông, không chỉ ở những người tu tập, những người lớn tuổi thậm chí ở nhiều người trẻ cũng có nhu cầu ăn chay, thậm chí chay trường. Đó là lí do các nhà ăn hay nơi bán đồ ăn chay mọc lên rất nhiều nhằm phục vụ nhu cầu của mọi người. 

Có những người ăn chay trường cả năm hay có những gia đình lại phát tâm ăn chay vào những dịp đặc biệt. Bởi vây, mình sẽ gợi ý thêm cho các bạn một số món chay vừa tốt cho sức khỏe lại vô cùng dễ làm, trông đẹp mắt. Các bạn có thể xem qua và làm thử nhé!

1. Cải thảo cuộn chay sốt cà chua

cải thảo cuộn chay sốt cà chua
Cải thảo cuộn chay sốt cà chua (Ảnh sưu tầm)

Nguyên liệu:

  • 300g đậu phụ
  • 2 mũ mộc nhĩ
  • 10g nấm hương khô
  • 30g cà rốt
  • 30g hành tây
  • 4 tbsp nước tương
  • 3-4 dọc hành lá
  • 10 lá cải thảo to (cắt bỏ phần gốc cứng)
  • 1 thìa canh bột năng
  • 300g cà chua
  • 1 thìa canh đường
  • 1 thìa cà phê muối
  • Hành lá (để trang trí và ăn kèm)
  • 1 thìa canh dầu ăn

Hướng dẫn:

  • Nấm hương khô và mộc nhĩ bạn đem ngâm nước nóng cho nở mềm rồi vắt, để ráo nước, sau đó thái nhỏ.
  • Đậu phụ tán nhuyễn. 
  • Cà rốt và hành tây, hành lá đem thái nhỏ.
  • Cà chua cắt miếng cau thành 6 phâng.
  • Cho 1/2 thìa canh dầu ăn lên chảo, đun nóng rồi phi thơm hành tây. Cho nấm, mộc nhĩ, cà rốt vào đảo đều - khoảng 30s - 1 phút.
  • Cho đậu tán nhuyễn vào xào, nêm với nước tương, đảo đều rồi tắt bếp. Cho bột năng vào đảo đều. Ta được phần nhân chay.
  • Chuẩn bị 1 nồi nước nóng rồi trần sơ cho lá cải thảo mềm. Cho nhân vào lá rồi cuốn lại như cuốn nem và bạn cuốn chắc tay một chút nha.
  • Cho 1.2 thìa canh dầu ăn lên chảo rồi đun nóng. Cho cà chua vào đảo đều. Chêm chút nước (khoảng 50-100ml) nước rồi đun cho cà chua chín mềm, nêm với muối và đường.
  • Cho cải thảo cuốn vào chả rồi sốt trên lửa nhỏ. Đun khoảng 5-10 phút cho cuốn ngấm sốt và chín thơm ngon.
  • Thưởng thức khi còn nóng với cơm.

2. Rau củ hấp chấm kho quẹt

thực đơn ngày tết rau củ chấm kho quẹt
Rau củ hấp chấm kho quẹt

Nguyên liệu:

  • 100g đậu phụ
  • 10g nấm hương khô
  • 1 lá rong biển cuộn cơm nori
  • 3 nhánh hành khô
  • 3 nhánh tỏi
  • 5 thìa canh (5 tbsp) nước tương
  • 1/2 thìa canh muối
  • 2 thìa canh đường thô
  • 1 chút tiêu
  • 250ml nước ấm
  • 1 thìa canh bột năng
  • Ớt tươi

Hướng dẫn:

  • Đậu cắt miếng, chiên vàng rồi tháu nhỏ.
  • Nấm hương khô rửa thật sạch, ngâm với 250ml nước ấm.
  • Nấm ngâm khoảng 15 phút, vắt kiệt nước. 
  • Rong cắt nhỏ, nấm hương thái hạt lựu. Bạn nhớ giữ lại nước ngâm nấm nhé.
  • Hành khô và tỏi sơ chế, băm nhỏ. 
  • Chuẩn bị một niêu đất. 
  • Bạn cho chút dầu lên và hâm nóng, đảo đều hành tỏi băm nhỏ cho thơm. Tiếp cho nấm hương và rong biển, đậu phụ vào niêu. Cho thêm nước tương, rồi xào cùng các nguyên liệu trong khoảng 5 phút. Cho thêm nước ngâm nấm, cùng muối và đường, đun trên lửa nhỏ khoảng 10 phút.
  • Pha bột năng với ít nước rồi cho vào niêu, đảo đều để kho quẹt đặc sánh lại. Nêm nếm thêm tiêu; muối hoặc nước tương cho vừa miệng. Hành lá thái nhỏ, ớt cắt lát cho vào nồi. Tắt bếp.

3. Nấm mỡ rim me

Nấm mỡ rim me một món ăn ngon từ nấm mỡ được ướp với nước sốt theo công thức tỉ mỉ thấm đều vào nấm khi rim với lửa nhỏ sẽ tạo ra hương thơm hấp dẫn khứu giác lẫn vị giác của nhiều người. Nấm mềm khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị nấm tan trong miệng rất thú vị. 

thực đơn ngày tết nấm rim me
Nấm mỡ rim me (Ảnh sưu tầm)

Nguyên liệu:

  • 300g nấm mỡ
  • 10g sả
  • 10g gừng tươi
  • 20g cốt me chua
  • 100ml nước nóng
  • 1 thìa mật mía
  • 3 thìa nước tương
  • 2 thìa sa tế
  • 1 thìa dầu ăn
  • Mè rang (để ăn kèm và trang trí)
  • Ớt tươi (để trang trí)

Hướng dẫn:

  • Nấm mỡ cắt làm đôi.
  • Sả với gừng băm nhỏ.
  • Pha cốt me chua với nước nóng rồi lọc lấy nước cốt.
  • Cho dầu ăn lên chảo, lửa vừa. Dầu nóng thì phi thơm sả với gừng.
  • Cho nấm vào đảo đều - khoảng 30s đến 1 phút.
  • Cho cốt me chua, mật mía, nước tương và sa tế vào rồi đảo đều.
  • Để lửa nhỏ và kho khoảng 4-6 phút cho tới khi nấm ngấm gia vị và nước kho đã cạn.
  • Cắt vài lát ớt rồi để lên trang trí. Ăn kèm với mè rang.
  • Thưởng thức với cơm nóng

4. Canh kim chi đậu phụ

Canh kim đậu hũ chay không những thơm ngon, lạ miệng mà còn đơn giản, dễ thực hiện. Hãy cùng vào bếp và chế biến ngay món chay ngon này cho gia đình mình nhé.

canh kim chi đậu phụ
Canh kim chi đậu phụ

Nguyên liệu:

  • 500g kim chi (cả nước)
  • 100g nấm đông cô tươi
  • 100g nấm kim châm
  • 200g đậu phụ
  • 15g tỏi tây
  • 2 thìa tương Gochujang
  • 1 thìa đường
  • 2 thìa muối
  • 1l nước lọc
  • Hành tươi
  • 1 thìa dầu ăn

Hướng dẫn:

  • Kim chi để nấu canh bạn nên chọn loại đã chua. Và khi nấu bạn dùng thêm cả nước muối kim chi nữa, món canh sẽ đậm đà và ngon hơn một phần. Kim chi bạn đem cắt khúc.
  • Nấm đông cô tươi bạn đem thái lát. Nấm kim châm cắt gốc.
  • Tỏi tây (lấy phần trắng) thái nhỏ. Đậu phụ cắt miếng vuông vừa ăn.
  • Bạn cho dầu vào nồi, phi thơm tỏi tây. Sau đó cho nấm đông cô vào xào thơm. Chêm chút nước nếu thấy khô.
  • Cho kim chi (cùng nước kim chi) vào nồi, cùng với muối, đường, tương Gochujang rồi đảo đều.
  • Thêm 1l nước vào nồi, đun sôi rồi nấu trên lửa nhỏ khoảng 15 phút.
  • Sau đó bạn cho nấm kim châm cùng đậu phụ vào nồi, nấu thêm 5 phút cho đậu và nấm chín.
  • Múc canh ra bát, rắc hành lá thái nhỏ lên trên. Ăn cùng với cơm nóng hoặc có thể dùng như một món ăn kèm trong bữa cơm gia đình. 

5. Nui xào rau củ

Nui xào ngon và no bụng, là một món ăn rất lành mạnh cho mâm cơm gia đình. Hoặc các mẹ có thể xào cho các bé ăn cũng rất hợp. Mình thấy bí quyết để nui xào ngon là chọn loại nui phù hợp. Nui vốn có nhiều hình dáng khác nhau: xoắn, dạng ống hay hình nơ xinh xắn. Với kinh nghiệm của mình thì nui xoắn là loại xào ngon nhất vì hình dáng của nui rất quyện sốt và gia vị. Vì vậy khi cắn miếng nui cũng đậm đà thơm ngon hơn!

thực đơn ngày tết nui xào rau củ
Nui xào rau củ (Ảnh sưu tầm)

Nguyên liệu:

  • 100g nui khô
  • 50g nấm đùi gà
  • 80g súp lơ xanh
  • 50g hành tây
  • 50g cà rốt
  • 8g gừng tươi
  • 2 nhánh tỏi
  • 2.5 thìa nước tương
  • 2 thìa dầu ăn
  • Ớt tươi (để ăn kèm và trang trí)

Hướng dẫn:

  • Bạn chuẩn bị 1 nồi nước to, nêm chút muối vào nước và đun sôi. Sau đó luộc chín nui theo như hướng dẫn trên bao bì, khoảng 7-10 phút. Chú ý không nên luộc nui chín quá, nui chín tới còn sừn sựt là được. Tắt bếp rồi cho phần nui xả qua với nước lạnh rồi để ráo nước. Cuối cùng bạn trộn nui với 1 tbsp dầu ăn để nui không bị dính vào nhau.
  • Hành tây, cà rốt và nấm đùi gà đem thái lát. Súp lơ xanh cắt miếng vừa ăn.
  • Gừng, tỏi sơ chế rồi đập dập, băm nhỏ.
  • Cho 1 thìa dầu lên chảo rồi đun nóng. Phi thơm gừng, tỏi rồi bạn cho hành tây, cà rốt cùng nấm vào xào. Nêm với 1 tbsp nước tương. Đảo khoảng 5 phút cho các nguyên liệu chín tới.
  • Cho nui cùng súp lơ xanh vào chảo, nêm 1.5 thìa nước tương còn lại vào chảo và đảo đều thêm 3 phút nữa. Khi các nguyên liệu chín tới và ngấm gia vị thì bạn tắt bếp.
  • Nếu muốn ăn cay bạn có thể thêm vài lát ớt tươi vào đảo cùng nui trước khi tắt bếp.
  • Thưởng thức nui xào khi còn nóng như một món chính.

6. Miến trộn

Miến trộn là món ăn khá mới và làm khá đơn giản. Thế nên sẽ không tốn nhiều thời gian của các bạn mà lại có thêm 1 món ăn đặc sắc nữa. Các bạn cùng thử cho thêm món này vào thực đơn ngày Tết xem thế nào nhé!

thực đơn ngày tết miến trộn
Miến trộn- món ăn đặc sắc rất mới mẻ

Nguyên liệu:

  • 50g miến khô
  • Ớt chuông xanh, đỏ, vàng: mỗi loại 30g
  • 50g dưa chuột
  • 50g nấm tươi
  • 1 nhánh tỏi to
  • 2.5 thìa nước tương
  • Nước cốt từ 1/2 quả chanh nhỏ
  • 1 thìa dầu mè
  • Tiêu đen
  • Lạc rang

Hướng dẫn:

  • Ớt chuông thái chỉ. Dưa chuột thái miếng chéo mỏng. Nấm xé sợi. Tỏi đập dập băm nhỏ.
  • Cho chút dầu lên chảo, phi thơm tỏi rồi xào chín nấm, nêm với 1 thìa nước tương.
  • Miến luộc chín, cho vào nước lạnh rồi để ráo nước. Lạc rang rồi giã nhỏ.
  • Cho vào tô trộn: miến, ớt chuông, dưa chuột, nấm. 
  • Nêm phần nước tương còn lại, nước cốt chanh, dầu mè, lạc rang rồi đảo đều. Để miến ngấm nước sốt trộn rồi ăn thôi. 
  • Vậy là món miến trộn siêu đơn giản đã hoàn thành rồi.

Lời kết

Tiễn năm cũ qua đi, đón năm mới nhiều tài lộc. Ai cũng muốn chuẩn bị mâm cỗ hay những mâm cơm gia đình vẹn tròn để tạ ơn một năm cũ đã qua, mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới sung túc, thịnh vượng hơn. Thấu hiểu tâm lý của các mẹ, các chị những ngày cuối năm bận rộn, thường khó khăn để lựa chọn và làm các món ăn ngày Tết. Siêu thị điện máy Nguyễn Kim xin được chia sẻ đến bạn các món ăn truyền thống, đơn giản, thông dụng của người Việt để bạn có thể chế biến trong dịp tết này.

Mong rằng bạn có thể tham khảo và lựa chọn được thực đơn ngày Tết đúng sở thích và phù hợp cho gia đình mình nhé!

Tin khác cùng mục

ĐƠN VỊ VẬN CHUYỂN TOÀN QUỐC

A8
A7
A6
A5
A4
A3
A2
A1
A8
A7
A6
A5
A4
A3
A2
A1
A8
A7
A6
A5
A4
A3
A2
A1