Klenzit C được xem là loại thuốc “ngon bổ rẻ” mà nếu bạn đang bị mụn, chi tiêu tiết kiệm thì đây là sản phẩm chân ái mà bạn nghĩ sẽ cứu được làn da của mình. Vậy thì bài viết review từ A - Á này sẽ giúp bạn thấy rằng Klenzit C trị mụn không hiệu quả như bạn nghĩ. Hơn nữa bạn sẽ tốn kha khá chi phí để phục hồi da sau này.
Dưới đây là những chia sẻ của bạn Hải Phạm [email protected] với độc giả của Siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
1. Vì sao Klenzit C lại trị được mụn?
Klenzit C trị mụn được nhờ công thức chứa 2 thành phần quan trọng:
- Adapalene 1mg: là một dẫn xuất của vitamin A thuộc nhóm Retinoids thế hệ 3. giúp ổn định quá trình sừng hóa da. Giúp tế bào chết được đẩy lên nhanh chóng từ đó nhân mụn cũng được lộ diện.
- Kháng sinh Clindamycin 10mg: thấm sâu vào bên trong ổ viêm, và ức chế quá trình tổng hợp protein làm vi khuẩn “còi xương suy dinh dưỡng dẫn đến chết", và với nhiều nguyên nhân khác nhau thì một vài trường hợp vi khuẩn vẫn sống. Phản ứng viêm vẫn có thể xảy ra nặng hơn hoặc giảm đi tùy thuộc vào mức độ “hên xui”.
Bạn sẽ gặp nhiều bác sĩ khuyến khích sử dụng Klenzit C trên các kênh tiktok, youtube, … Nhưng bạn lại quên mất rằng bác sĩ chỉ đưa ra gợi ý, chứ không khuyến khích bạn tự ý sử dụng tại nhà.
Vì Klenzit C là THUỐC, được chỉ định điều trị bệnh nhân bị mụn trứng cá ở dạng nặng, mụn mủ và viêm. Đến đây, chắc bạn nghĩ rằng, ừ thì chỉ chấm Klenzit C lên mụn viêm thôi có gì đâu mà lo đúng không?
Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về, dưới đây mình sẽ review chi tiết nhất về mặt trái của việc tự ý dùng Klenzit C. Những điều mà không ai nói với bạn trước đây dưới góc nhìn khoa học nhất.
2. Vì sao mình không khuyến khích bạn tự ý sử dụng Klenzit C trị mụn?
Cách đây 4 năm trước mình bị mụn trứng cá và hoàn toàn không biết nguyên nhân tại sao. Vì chưa hiểu rõ vấn đề da, cũng như không chăm sóc da đúng cách nên mụn tái phát thường xuyên. Sau đó đã đến phòng khám da liễu và được điều trị bởi bác sĩ.
Thời điểm này bác sĩ đã bắt đầu kê Klenzit C cho mình sử dụng và dùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ trong 3-4 tháng. Thời điểm này Klenzit C là sản phẩm hoàn toàn mới và ít được review nhất.
Mình cũng đã thử tìm hiểu thông tin trên mạng nhưng feedback về em này là quá ít. Hầu như không có một beauty blogger hay bác sĩ nào review chính xác về Klenzit C tại thời điểm đó.
Và mình khẳng định là đến hiện tại bạn cũng sẽ không nghe được nhiều “mặt trái” về Klenzit C đâu. Vì đa số mọi người đều xem Klenzit C như một liều thuốc được cả về chất, “đẹp” cả về tiền và khuyến khích người khác dùng vô tội vạ.
Về mình, quy trình skincare mà bác sĩ hướng dẫn mình sử dụng không được rõ ràng từng bước. Mình nhấn mạnh, mình cũng không được cảnh báo về các tác dụng phụ sẽ gặp phải. Tần suất sử dụng Klenzit C mỗi tối trước khi đi ngủ, buổi sáng và trưa thì dưỡng da như bình thường.
Sử dụng được 1 tháng, da kích ứng, nhạy cảm hơn và gần như sử dụng bất kỳ sản phẩm nào theo sau đó đều làm da ngứa, đỏ, rát. Sau khi hỏi bác sĩ điều trị thì mới biết đây là phản ứng thường gặp khi dùng Klenzit C. Lúc này, bác sĩ mới khuyên mình nên giãn tần suất sử dụng và tăng cường dưỡng ẩm.
Mình đã cố gắng giãn tần suất sử dụng còn 3 lần/tuần. Kèm theo tăng dưỡng ẩm lên nhưng mụn vẫn nổi trong khi tác dụng phụ không giảm.
Với mụn ẩn, mụn được đẩy lên không hết, với mụn đã được đẩy lên và có dấu hiệu viêm sưng thì khi dùng Klenzit C, nốt mụn bong sừng, quá trình bong diễn ra mỗi ngày, giảm đỏ, sưng, đau nhưng mụn lại chai mà không có dấu hiệu xẹp xuống. Ở thời kỳ đó mình đã phải đến Spa để xử lý mụn chai rất nhiều.
Liên tục điều trị một năm không có kết quả dù đã cố gắng theo liệu trình của bác sĩ, mình đã từ bỏ. Sau đó là chuỗi ngày phục hồi da không hồi kết, da khô, bong tróc liên tục 3 tháng. Khoảng thời gian khủng hoảng nhất với mình vì dùng sản phẩm phục hồi nào cũng không hiệu quả.
Bạn cũng thấy đó, ngay cả khi mình được bác sĩ hướng dẫn dùng Klenzit C đôi khi còn không kiểm soát được tác dụng phụ. Vậy việc bạn tự ý mua sản phẩm để chấm và tự điều trị mụn tại nhà liệu có khả quan?
Mình đã phải tốn tiền hàng tháng đến Spa sau đó để phục hồi da, với mong muốn duy nhất là da quay trở về bình thường, bị mụn cũng được nhưng ít ra da phải khỏe mạnh. Không bị kích ứng khi dùng các sản phẩm khác là đã đủ.
May mắn đến với mình là thời điểm 3 năm trước, nổi lên hoạt chất treatment trị đầu tiên chính là BHA và Retinol mà không phải là Adapalene. Vì đến hiện tại, BHA và Retinol chính là 2 hoạt chất cứu làn da mụn của mình. Mình vẫn kiên trì sử dụng, linh hoạt thay đổi để giờ làn da không chỉ khỏe mạnh, mà còn sạch mụn. Và đây là niềm tự hào nhất của mình.
Mình sẽ trình bày ở dưới kỹ hơn cách tự trị mụn tại nhà BHA và Retinol, đơn giản, hiệu quả, ít kích ứng nhất mà bạn không ngờ tới.
3. Cảnh báo nào dành cho các bạn đang có ý định sử dụng Klenzit C?
Hãy chuẩn bị cho mình một kiến thức thật vững về sản phẩm bạn đang sử dụng. Không phải cứ là thuốc là sẽ điều trị hiệu quả. Thuốc được bác sĩ kê riêng tùy thuộc vào tình trạng mụn trứng cá của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng phải chắc chắn bác sĩ thiết kế một routine đúng và theo dõi bạn trong suốt quá trình sử dụng để bạn không bị “bơ vơ” khi dùng.
Klenzit C không được khuyến khích sử dụng thường xuyên và bạn sẽ phải ngưng sử dụng sau khi mụn đã được trị khỏi vì đây là thuốc. Trong khi điều da, điều bạn cần chính là một quy trình chăm da khoa học, duy trì kết quả sau điều trị để nuôi da khỏe mạnh và ngăn ngừa mụn quay lại. Đó mới là điểm mấu chốt để khi mụn có xuất hiện, bạn vẫn yên tâm “xử lý” được nó.
Hãy cân nhắc thật kỹ về việc bạn phải “trả phí” không nhỏ cho sự lựa chọn của mình. Đồng ý sử dụng klenzit C để điều trị mụn, kèm theo đó các phản ứng tác dụng xảy ra đồng loạt như:
- Da khô, kích ứng, nóng rát, ban đỏ
- Viêm da tiếp xúc khó chịu, cháy nắng, ngứa, bong tróc,
- Giảm sắc tố da hoặc tăng sắc tố da.
Trong Klenzit C chứa clindamycin, nhờ đặc tính kháng viêm diệt khuẩn bất chấp vi khuẩn có lợi hay có hại cho da của hoạt chất này mà Klenzit C được xem là sản phẩm phù hợp với da mụn viêm sưng. Tuy nhiên liệu rằng các nốt mụn viêm của bạn có đủ nặng để sử dụng đến kháng sinh hay không?
Bạn hãy hiểu phản ứng viêm là một trong những cách cơ thể bạn hoặc hệ miễn dịch đang hoạt động để bảo vệ vùng da bị vi khuẩn xâm nhập. Trừ trường hợp viêm nặng bạn hãy cân nhắc đến kháng sinh. Ngược lại, việc dùng kháng sinh quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.
Nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là do việc sử dụng Clindamycin dẫn đến việc mất cân bằng hệ vi sinh. Clindamycin chính là kháng sinh được dùng để diệt khuẩn tuy nhiên hoạt chất này tiêu diệt luôn đến cả chủng gây bệnh và chủng không gây bệnh. Vì sự diệt khuẩn không kiểm soát đã dẫn đến sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn hại.
Từ đây, hệ vi sinh mất cân bằng sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân bên ngoài xâm nhập. Hậu quả có thể tăng thêm một level mới, đó là kháng thuốc.
Đây cũng là lý do vì sao bạn sử dụng Klenzit C một thời gian cũng không thấy hiệu quả như ban đầu.
Những biểu hiệu cho thấy bạn đã bị kháng kháng sinh trong điều trị:
- Da nhạy cảm hơn do hệ vi khuẩn trên da giữa vi khuẩn có lợi và có hại bị mất cân bằng. Hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, tạo điều kiện để các tác nhân bên ngoài xâm nhập và tấn công.
- Da không đáp ứng được với thuốc Klenzit C như trước. Điều này nghĩa là khi mụn viêm xuất hiện, sử dụng Klenzit C không còn hiệu quả. Ngay cả khi bạn sử dụng các kháng sinh khác sau đó, kết quả điều trị thấp.
Một trong những hình ảnh các bạn mua Klenzit C và tự ý sử dụng tại nhà mà không qua sự chỉ định và thăm khám từ bác sĩ. Bạn cũng tự nhận thấy tình trạng kháng kháng sinh xảy ra. Sử dụng thuốc không hiệu quả được như trước.
Ngoài ra, việc bạn sử dụng một mình Klenzit C cũng đã đủ mạnh, vì sản phẩm chứa Adapalene - là một dẫn xuất của vitamin A thuộc nhóm Retinoids thế hệ 3 khá mạnh. Vì vậy khi dùng thuốc cùng với các mỹ phẩm chứa lưu huỳnh, resorcinol hay acid salicylic tình trạng kích ứng, tác dụng phụ có thể mạnh hơn suy nghĩ của bạn.
Dưới đây là hình ảnh một bạn tự ý sử dụng Klenzit C và xảy ra trường hợp viêm da tiếp xúc. Đây là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi mới sử dụng Klenzit C và không được hướng dẫn chi tiết từ bác sĩ khi sử dụng.
Tóm lại, tất cả những tiềm ẩn nguy hại để bạn tự ý hoặc sử dụng klenzit C không đúng cách có thể xảy ra kéo dài mãi và không ngừng. Vậy bạn có đồng ý bỏ chi phí chưa đến 200k để mua một tuýp thuốc trị mụn, kèm theo đến hàng trăm hoặc triệu tiền sản phẩm đi kèm phục hồi và chưa chắc kết quả điều trị mụn như mong muốn?
4. Nếu không trị mụn bằng Klenzit C thì bạn sẽ sử dụng các hoạt chất nào?
Không cần Klenzit C, với làn da dầu mụn, các sản phẩm chăm sóc da của bạn chỉ cần đáp ứng được các tiêu chí dưới đây:
- Điều hòa hoạt động của tuyến bã nhờn: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tế bào sebocytes bị kích hoạt mạnh mẽ dẫn đến việc sản sinh quá nhiều tế bào, làm quá trình giải phóng lipid cũng diễn ra nhiều hơn. Tuyến bã nhờn bị kích thích cũng sản sinh nhiều chất nhờn dư thừa. Từ đó dẫn đến sự bít tắc và dễ hình thành mụn. Ở bước này, bạn có thể cân nhắc việc sử dụng các sản phẩm cấp nước cho da có chứa thành phần như HA, Niacinamide, Ceramide, Glycerin,..
- Loại bỏ bã nhờn dư thừa bằng cách làm sạch tốt: Song song với điều hoà hoạt động tuyến bã, bạn cũng cần loại bỏ bã nhờn dư thừa trên bề mặt da bằng việc làm sạch tốt từ các sản phẩm như nước tẩy trang, sữa rửa mặt và tẩy tế bào chết. Lưu ý, với sữa rửa mặt thì bạn không nên chọn sữa rửa mặt có SLS (Sodium Lauryl Sulfate) là thành phần tẩy rửa chính. Sử dụng sữa rửa mặt chứa SLS trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da, từ đó da dễ bị nhạy cảm bởi sự tấn công từ yếu tố bên ngoài.
- Giảm sừng và bình thường hóa quá trình sừng hóa cổ nang lông: So với da bình thường thì da dầu khi hoạt động của tuyến bã nhờn bị kích thích mạnh hơn, dẫn đến nhiều lipid kết dính, chúng rụng thành từng mảng. Bình thường chúng sẽ đi theo ống bài tiết lên bề mặt da và được đào thải.
Tuy nhiên vì sự bất thường ở quá trình sừng hóa cổ nang lông mà lớp lipid này, cùng với với tế bào chết dư thừa sẽ bị kẹt cứng ở cổ nang lông. Khi bị “kẹt cứng” nhưng vậy chúng tạo thành một nút thắt. Nút thắt này chính là mụn, ở da dày sừng chúng sẽ nằm dưới bề mặt da và không có cơ hội lộ diện. Mụn này ta gọi là mụn ẩn. Nếu như ko được xử lý kịp thời, vi khuẩn C.acnes xâm nhập và nguy cơ mụn viêm cao.
Riêng đối với việc giảm sừng và bình thường hóa cổ nang lông. Đây chính là yếu tố then chốt để cải thiện mụn. Trong đó 2 hoạt chất thực hiện nhiệm vụ này tốt nhất, hợp da dầu mụn nhất và an toàn, sử dụng lâu dài nhất chính là BHA và Retinol. Khi sử dụng kết hợp BHA và Retinol thì kết quả mang lại nhanh, thấy rõ, không tốn quá nhiều thời gian nhưng lợi ích lại lâu dài. Đây cũng là 2 hoạt chất được phép sử dụng tại nhà, cũng đã có rất nhiều bác sĩ chia sẻ về việc kết hợp 2 sản phẩm này. Mình sẽ chia sẻ ở dưới kỹ hơn nhé!
Bác sĩ Điềm chia sẻ về kết hợp BHA và Retinol trong điều trị mụn
Lưu ý, 3 điều này phù hợp với da mụn, nhạy cảm và bị mụn do làm sạch chưa đúng cách và quá trình sừng hóa cổ nang lông bất thường.
Với trường hợp da bị nội tiết tố bạn cần uống thuốc để hỗ trợ điều hòa nội tiết, kết hợp với quy trình chăm sóc da cơ bản đảm bảo 3 điều trên. Trường hợp với da bị mụn do sử dụng kem trộn trước đó bạn cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ để chăm da kết hợp giữa phục hồi và điều trị.
Vì sao bạn nên sử dụng Retinol thay cho Adapalene/Tretinoin?
Nhiều nhận định cho rằng Retinol chỉ chống lão hóa trong khi bỏ quên công dụng điều trị mụn của hoạt chất này. Nhiều thông tin cho rằng điều trị mụn bằng retinol không hiệu quả là chưa có căn cứ khoa học.
Hình ảnh bác sĩ Điềm chia sẻ retinol trị mụn
Hơn nữa, với bản thân là một “nhân chứng sống” thì mình dám chắc rằng, việc sử dụng retinol điều trị mụn là một giải pháp lâu dài, bền vững và tiết kiệm chi phí nhất.
Retinol là một trong số các retinoids có khả năng biến đổi thành axit retinoic (RA) để thể hiện tác dụng sinh học trong cơ thể. Nhờ quá trình chuyển đổi này mà khả năng kích ứng, tác dụng phụ khi dùng retinol sẽ nhẹ nhàng, dễ chịu và dễ xử lý hơn rất nhiều khi dùng Adapalene/Tretinoin. Đó là lý do vì sao nhiều bạn dùng Adapalene/Tretinoin thấy rõ tác dụng phụ rõ ràng chỉ sau 1-2 lần sử dụng.
- Khi retinol chuyển thành axit retinoic sẽ thúc đẩy các tế bào sừng được thay mới nhanh hơn. Ở bề mặt, tế bào chết được nới lỏng, dễ rụng hơn, sẽ ít khả năng gây bít tắc lỗ chân lông hơn.
- Lúc này, quá trình sừng hóa cổ nang lông được bình thường hóa. Thông qua quá trình này, lớp sừng bong ra, nhường chỗ cho mụn ẩn lộ diện. Mụn ẩn được đẩy lên nhanh sẽ giúp bạn dễ xử lý được các nốt mụn này hơn.
- Với mụn viêm, Retinol giải quyết gọn nhẹ hơn nhiều. Đây là do Retinol có khả năng ức chế hoạt động của bạch cầu đa nhân trung tính. Từ đó các phản ứng viêm cũng được kiểm soát đáng kể. Bạn sẽ cảm thấy tình trạng mụn viêm cũng không còn sưng, nóng, đỏ, đau rát như ban đầu.
- Với những vùng mụn ẩn có dấu hiệu viêm, việc sử dụng retinol ban đầu cũng sẽ giúp hạn chế phản ứng viêm từ bên trong. Giảm thiểu cao tỉ lệ mụn ẩn chuyển sang mụn viêm.
Từ đây bạn cũng thấy, Retinol sẽ không mang lại hiệu quả tức thời, cấp tốc như những phái sinh retinoids khác nhưng retinol lại là giải pháp điều trị mụn an toàn, bền vững mà bạn có thể tự kiểm soát để sử dụng tại nhà.
Tăng hiệu quả trị mụn kết hợp Retinol và BHA khi trị mụn tại nhà
Hãy thêm BHA vào routine chăm sóc da của bạn để hiệu quả điều trị mụn tăng cao và nhanh hơn. Nếu như bạn nghĩ rằng sử dụng Retinol chưa chắc đã mang lại hiệu quả mạnh mẽ như Adapalene thì bạn có thể cân nhắc sử dụng kết hợp Retinol và BHA.
Mình nhấn mạnh rằng, Retinol và BHA chính là bộ đôi cải thiện mụn nhanh, gọn đẹp nhất mà mình đã từng trải nghiệm. Kết hợp giữa BHA và Retinol trong điều trị mụn đã được nhiều bác sĩ nhắc đến trước khi Adapalene/Tretinoin xuất hiện và trở nên “viral” như hiện tại.
Lợi ích khi kết hợp BHA và Retinol:
- Nhân mụn ẩn được đẩy lên mạnh mẽ, mụn khô nhân nhanh hơn và giúp bạn dễ xử lý. Đối với da dày sừng, quá trình sừng hóa cổ nang lông diễn ra bất thường thì đây là một combo có lợi.
- BHA (Salicylic Acid) có đặc tính tiêu sừng và phân giải mụn trứng cá. SA cũng làm giảm bài tiết chất nhờn, kháng viêm ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá. Nồng độ mà tại đó tác dụng chống viêm của BHA rõ rệt nhất là từ 0.5% đến 5%. Được phép sản xuất trong mỹ phẩm là tối đa 2%.
- BHA tiêu sừng, giảm sự kết dính của các tế bào sừng, sau đó tách rời chúng. Mở đường cho retinol sau đó sẽ “đập đi, xây lại một cách có tổ chức”. Các tế bào mới được đẩy lên thay thế tế bào cũ. Đồng thời mụn ẩn cứng đầu cũng được “lộ diện”, nhân mụn khô nhanh hơn, giúp bạn dễ xử lý các nốt mụn.
Retinol và BHA thích hợp để điều trị mụn lâu dài, bền vững
- Với làn da sau khi hết mụn, việc dùng BHA kết hợp Retinol không chỉ giúp loại bỏ lớp sừng chết mà còn: hạn chế mụn ẩn quay lại, hạn chế mụn sưng viêm. Sử dụng lâu dài còn giúp da căng bóng, chống lão hóa.
- Với các nốt mụn vừa có phản ứng viêm như sưng nóng đỏ đau ngứa ở mức độ nhẹ thì chỉ cần sử dụng BHA kết hợp Retinol cũng sẽ hạn chế mức độ viêm.
Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng mụn là căn bệnh mãn tính có thể quay lại bất kỳ lúc nào và nếu bạn không có quy trình chăm sóc da khoa học hợp lý thì khả năng mụn quay lại cao và dai dẳng.
Sự kết hợp BHA và Retinol giúp điều tiết hoạt động tuyến nhờn, bình thường hóa quá trình sừng hóa da, ngăn chặn sự bít tắc lỗ chân lông. Từ đó giảm mụn hiệu quả và bền vững.
Dưới đây là hình ảnh của mình sau khi kiên trì sử dụng kết hợp Retinol và BHA trong 5 tháng và kết quả rất khả quan.
Kết quả sử dụng Retinol và BHA sau một thời gian mình tự điều trị mụn tại nhà
Thỉnh thoảng, mình vẫn nổi vài nốt mụn viêm do sinh hoạt không khoa học, thức khuya nữa. Những lúc như vầy mình bình tĩnh xử lý hơn trước nhiều, mẹo của mình là chỉ việc chấm cục bộ BHA và Retinol lên nốt mụn, các bước cách nhau 5-10p. Thì sau 2-3 ngày mụn giảm viêm và gom nhân khá nhanh.
Chú ý khi sử dụng kết hợp Retinol và BHA cho người mới bắt đầu
Nhiều ý kiến cho rằng không nên dùng BHA và Retinol kết hợp vì dễ “toang” mặt? Nhưng mình lại thấy rất nhiều bạn lại can đảm kết hợp BHA hoặc Azelaic Acid hay AHA cùng với Adapalene - một phái hoạt động mạnh hơn Retinol. Điều này không chỉ làm da bạn trở nên nhạy cảm mà còn khó phục hồi hơn bạn nghĩ.
Mình biết rằng quá trình truyền thông đã làm mọi người có sự lo lắng nhất định khi kết hợp dùng Retinol và BHA với nhau. Đặc biệt là với da mụn ẩn, nhạy cảm mới lần đầu sử dụng treatment cũng phần nào cân nhắc kỹ trước khi sử dụng. Thế nhưng, hãy yên tâm rằng đã có rất nhiều bác sĩ sẵn sàng hướng dẫn bạn kết hợp một cách bài bản, hiệu quả nhất
“Kinh nghiệm điều trị mụn ẩn tại nhà hiệu quả không có chuyên gia, dành cho người mới bắt đầu hoặc dành cho da quá yếu chính là sử dụng kết hợp BHA và Retinol.” - chia sẻ đến từ bác sĩ da liễu Dr.Chubby, một trong những bác sĩ nhận được nhiều sự quan tâm từ các bạn yêu thích skincare hiện nay.
Dưới đây là một vài lưu ý dành cho người mới bắt đầu khi kết hợp BHA và Retinol điều trị mụn tại nhà:
- Với Retinol hãy lưu ý lựa chọn dựa trên các tiêu chí về: công nghệ, hệ nền, thành phần khác hỗ trợ điều trị mụn. Với Retinol bạn cần lưu ý hệ vận chuyển để Retinol ổn định trên da, hệ nền nên tránh dầu khoáng hoặc silicone không bay hơi,... ngoài ra thì trong Retinol nên có thêm các thành phần hỗ trợ trị mụn khác như tràm trà, trà xanh, nhóm AHAs, BHA, Niacinamide,...
- Với BHA bạn cũng nên ưu tiên lựa chọn BHA nền cồn và các thành phần bổ trợ trong sản phẩm để làm dịu các phản ứng từ cồn như Glycerin. Hoặc ngoài BHA thì nên ưu tiên các thành phần khác hỗ trợ da mụn như ZinC PCA, trà tràm, chiết xuất hoa cúc la mã, trà xanh,...
- Lưu ý nếu như bạn đã chọn BHA nền cồn rồi thì Retinol kết hợp sau đó cũng nên tránh cồn. Một quy trình cho da mới sử dụng BHA và Retinol kết hợp thì chỉ nên 1 trong 2 sản phẩm đặc trị chứa cồn. Điều này giúp bạn dễ kiểm soát các phản ứng xảy ra trong quá trình sử dụng.
- Hãy bắt đầu từ nồng độ thấp rồi mới đến nồng độ cao. BHA thì bạn có thể bắt đầu từ 2%, đây là nồng độ để BHA có thể mang lại hiệu quả cho làn da dầu mụn. Với Retinol bạn nên bắt đầu từ 0.5% trước, sau đó nâng lên 1% khi da đã quen với Retinol.
- Sử dụng từng hoạt chất trước. Dùng BHA trước để da quen với treatment từ khoảng 2-3 tuần đầu, sau đó mới sử dụng Retinol sau đó. Tần suất dùng BHA nên 2-3 lần/tuần và cách ngày với việc sử dụng Retinol. Hoặc bạn có thể dùng BHA buổi sáng và tối dùng Retinol. Tuy nhiên, tùy vào ngưỡng chịu đựng của da mà bạn linh hoạt thay đổi routine.
- Sử dụng chấm cục bộ lên các nốt mụn trước sau đó mới dùng toàn mặt.
- Không nên bỏ quên các sản phẩm phục hồi đi kèm. Nên cân bằng giữa việc sử dụng treatment và phục hồi. Cân nhắc sử dụng các hoạt chất phục hồi đi kèm chứa các thành phần như: Niacinamide, B5, rau má, lô hội, HA, Peptide, …
Quy trình cơ bản cho người mới sử dụng kết hợp Retinol và BHA
Mình sẽ thử gợi ý cho bạn một quy trình cơ bản mà mình đã từng áp dụng thời điểm đầu khi kết hợp BHA và Retinol.
Thời điểm mới làm quen với BHA và Retinol:
- Sáng: Sữa rửa mặt - Toner - Serum - (Kem chống nắng)
- Tối 2 - 4: Tẩy trang - Sữa rửa mặt - BHA - Toner - Serum - Kem dưỡng ẩm
- Tối 5 - 7: Tẩy trang - Sữa rửa mặt - Toner - Serum - Retinol
- Các tối còn lại: Tẩy trang - Sữa rửa mặt - Toner - Serum - Kem dưỡng ẩm
Thời điểm sau khi da đã quen với BHA và Retinol
- Sáng: Sữa rửa mặt - Toner - Serum - (Kem chống nắng)
- Tối 2 - 4: Tẩy trang - Sữa rửa mặt - BHA - Toner - Serum
- Tối 3 - 5: Tẩy trang - Sữa rửa mặt - Toner - Retinol
- Tối còn lại: Tẩy trang - Sữa rửa mặt - Toner - Serum
Trong quá trình sử dụng, mình cũng sẽ cân nhắc các sản phẩm có kết cấu dày như kem dưỡng để hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông và gây mụn. Với da dầu, mụn và khí hậu nóng ẩm quanh năm như Việt Nam. Một serum phù hợp cũng đã đủ cấp nước, dưỡng ẩm cho làn da dầu mụn của bạn.
Lưu ý, đây chỉ là routine chăm sóc da của mình. Quy trình sẽ được thay đổi tùy vào tình trạng da mụn của bạn và cách tốt nhất là khi mua các sản phẩm treatment như BHA và Retinol. Bạn nên tham khảo ý kiến từ chuyên viên tư vấn sản phẩm để được chăm sóc và theo dõi quy trình chăm sóc da một cách tốt nhất. Hãy ưu tiên những nhãn hàng có thể đi cùng bạn suốt quá trình chăm sóc da.
Nếu như bạn vẫn chưa tìm được Retinol hỗ trợ điều trị mụn phù hợp với da thì hãy tham khảo bài viết: Top Retinol cho người mới bắt đầu
Hy vọng sau bài viết này sẽ giúp bạn tìm thấy Retinol chân ái, phù hợp điều trị mụn tại nhà cho tình trạng da của mình.