Măng sặt là sản vật quý của núi rừng, chế biến được rất nhiều món ăn ngon. Nhưng nhiều người vẫn lăn tăn măng sặt có tốt không? Ăn nhiều măng sặt có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không? Và cách chế biến món ăn từ măng sặt như nào? Hãy tham khảo bài viết này để giải quyết các vấn đề trên nhé!
1. Măng sặt là gì? Nguồn gốc, xuất xứ, cách nhận biết
Măng sặt là loài thực vật thuộc họ tre, có kích thước khá nhỏ chỉ như ngón chân cái người lớn, búp măng thẳng. Loại măng này mọc tự nhiên ở một số vùng đồi núi ở tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, người ta tìm thấy măng nhiều nhất ở thị xã Nghĩa Lộ và được coi là đặc sản nơi đây.
Măng mọc tự nhiên trên rừng thì thường sẽ có quanh năm và đặc biệt nhiều vào mùa xuân. Tuy nhiên, măng sặt lại chỉ có 1 mùa duy nhất và cho thu hoạch khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch.
Thời gian này, măng đâm chồi nảy lộc, những búp măng đua nhau vươn lên mập mạp đúng độ non, ngon nhất. Người dân địa phương sẽ đi rừng dùng cuốc, thuổng để tách những mầm măng nằm sâu trong đất.
Trước đây, măng sặt được người dân thu hái về chỉ để phục vụ bữa cơm gia đình. Tuy nhiên những năm gần đây nhờ sự phát triển của du lịch nên món ngon này ngày càng được nhiều du khách biết đến và yêu thích. Bạn có thể dễ dàng mua được măng tươi ở các chợ và điểm du lịch từ người dân địa phương.
Hơn nữa, với giá trị kinh tế cao nên người dân đã chú trọng hơn trong khâu khoanh vùng và chăm sóc măng để chúng to mập phát triển tốt hơn. Vì vậy, chợ Nghĩa Lộ trở thành nơi cung cấp măng sặt với số lượng lớn cung cấp khắp các vùng trong và ngoài tỉnh.
Măng sặt ngon hơn các loại măng khác vì măng đặc, ăn rất thơm và ngọt, lại chế biến được thành nhiều món ngon. Mỗi năm khi mùa măng sặt đến, khách từ khắp các tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ… lại đặt măng với số lượng lớn.
Thông thường, giá măng sặt loại tươi khi vào mùa dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, đối với loại còn nguyên vỏ chưa bóc. Còn loại đã bóc sẵn vỏ thì bán với giá khoảng 30.000 đồng/kg.
Mách các bạn cách chọn măng sặt ngon là những loại cây có thân mập, màu vàng trắng tươi. Nếu có thể bạn chọn măng chưa bóc vỏ và bên ngoài vẫn còn dính đất thì đúng chuẩn măng tươi ngon.
2. Măng sặt có tác dụng gì? Có nên ăn không?
Có thể nói, măng là một trong những loại thực phẩm gây tranh cãi khá nhiều vì nó vừa tốt lại vừa không tốt với từng đối tượng người ăn khác nhau. Theo đông y, măng không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có giá trị chữa bệnh.
Bạn cần dựa vào giá trị dinh dưỡng của măng và thể trạng của mỗi người để nhận biết mình có nên ăn măng hay không. Bởi việc ăn măng có thể vô hại với người này nhưng lại gây hại cho người khác.
Các thành phần dinh dưỡng có trong măng sặt cũng rất đa dạng protein, vitamin, canxi, phốt pho, amino axit, sắt, các nguyên tố vi lượng và cellulose. Đặc biệt, hàm lượng cellulose trong măng cao có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, giúp tiêu hóa, có thể ngăn ngừa táo bón và ung thư ruột kết.
Do đó, với một số người thì măng còn hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh. Sau đây là một số lợi ích của măng mang đến cho sức khỏe của chúng ta.
- Giảm cholesterol và tốt cho tim mạch nhờ chứa selen, kali, hàm lượng chất xơ cao. Hơn nữa, carbohydrate và đường thấp khiến măng trở thành thực phẩm lý tưởng giúp phòng các bệnh tim mạch.
- Kích thích sự thèm ăn trong trường hợp khó tiêu, kém ăn. Bởi ngoài hương vị giòn ngọt nhẹ rất ngon thì măng còn chứa hàm lượng cellulose cao giúp cải thiện tiêu hóa, kích thích ăn ngon.
- Hỗ trợ ăn kiêng giảm calo giúp cải thiện các bệnh huyết áp, tiểu đường, béo phì. Bởi trong măng có hàm lượng carbohydrate thấp mà chất xơ cao cùng nhiều vi khoáng chất tốt cho cơ thể.
- Măng rất giàu chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do góp phần chống ung thư. Đồng thời, cũng giúp ức chế sự tăng trưởng và đột biến của các khối u.
- Trong măng có chứa nhiều các vitamin A, C, B và Em nên giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Bạn cũng có thể sử dụng nước ép từ măng sặt tươi để kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau với các vết thương hở hoặc các bệnh về đường hô hấp.
Dù có rất nhiều công dụng tốt nhưng vẫn cần cảnh báo với một số đối tượng không thể ăn măng như người bệnh thận, xơ gan, bệnh đường tiêu hóa, trẻ tuổi dậy thì, phụ nữ có thai, người bệnh gout.
Tổng kết, bạn không phải một trong những nhóm người kể trên thì bạn có thể ăn măng thoải mái nhé. Bởi đây là một món ăn ngon của nước ta. Hơn nữa, măng sặt thì lại chỉ có mùa rất ngắn bạn hãy tranh thủ đổi bữa cho gia đình nhé.
3. Măng sặt nấu món gì? Cách làm chế biến măng sặt cực ngon
Bạn đã biết giá trị dinh dưỡng của măng cũng như nắm bắt được thông tin những ai không nên ăn măng rồi nhỉ. Vậy thì cũng bắt tay vào chế biến những món ăn cực ngon từ măng sặt thôi nào.
Măng sặt xào rau thối
Rau thối và măng sặt là hai thức rau đặc sản của vùng miền núi. Bạn sẽ khó có thể thưởng thức món ăn này nếu không đến đúng mùa măng.
Nguyên liệu
- Rau thối
- Măng tươi
- Tỏi, muối, mì chính, tiêu.
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rau thối tuốt lấy lá và phần ngọn non, chú ý tuốt ngược vì phần thân có gai kẻo bị đâm vào. Sau đó rửa sach rau và để ráo.
- Măng loại bỏ vỏ già, rửa sạch rồi bào mỏng hoặc chẻ nhỏ.
- Tỏi đập dập băm nhỏ.
Bước 2: Xào măng sặt rau thối
Bạn bắc chảo lên bếp cho dầu ăn nóng, cho tỏi vào chảo phi thơm rồi cho măng vào chảo đảo đều, măng mềm, bạn cho tiếp rau thối vào xào cùng sau đó nêm gia vị muối, mì chính và tiêu vừa với khẩu bị mọi người trong gia đình.
Trước khi tắt bếp bạn cho thêm chút tỏi băm vào và trình bày ra đĩa.
Sườn om măng sặt
Sườn om măng là món mà bạn nhất định phải nấu khi mùa măng sặt đến. Món này ăn với cơm hay với bún đều đỉnh của chóp ý.
Nguyên liệu
- Sườn non 500 gr
- Măng chua 200 gr
- Hành tím 2 củ
- Tỏi 5 tép
- Hành lá cắt nhỏ 1 nhánh
- Dầu hào 1 muỗng canh
- Nước màu 1 muỗng canh
- Hạt tiêu
- Bột ớt Hàn Quốc
- Gia vị 1 ít (muối/đường/hạt nêm/nước mắm/giấm)
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:
Sườn rửa sạch, chặt thành từng khúc nhỏ vừa ăn, khoảng 3cm. Sau đó, bạn đặt 1 nồi nước lên bếp, thêm 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng canh giấm gạo, đun sôi rồi cho sườn vào chần khoảng 2 phút thì vớt ra thau nước lạnh, rửa sạch lại với nước lần 2 lần, vớt ra rổ, để ráo nước.
Bước 2: Ướp sườn:
Để ướp sườn, bạn lấy hành tím, tỏi bóc vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ.
Tiếp đến, bạn cho sườn vào nồi dùng để kho, thêm 1/2 phần hành tím, tỏi đã băm và 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước màu, 1 ít tiêu và chút bột ớt Hàn Quốc.
Tất cả các nguyên liệu này, bạn trộn đều. Để thấm gia vị, bạn ướp sườn trong khoảng 20-30 phút nhé!
Bước 3: Luộc măng:
Măng bạn cắt thành những miếng dài mỏng, không quá nhỏ. Sau đó, bạn đặt một nồi nước lên bếp, đun sôi và cho măng vào nồi khoảng 5 phút. Trong lúc nấu, bạn nên mở nắp nồi để chất độc còn sót lại trong mang thoát ra ngoài.
Bước 4: Xào măng:
Đặt chảo lên bếp, đợi chảo nóng bạn cho 1 muỗng canh dầu ăn vào và cho hành tím, tỏi còn lại vào. Phi thơm hành và tỏi, bạn cho măng vào xào cùng và nêm 1/2 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe hạt nêm đảo đều trong 2-3 phút.
Trong quá trình xào măng, bạn để lửa lớn nhé! Việc xào măng trước giúp cho măng thơm hơn và béo hơn, bạn cũng không cần xào quá kỹ chỉ cần xào sơ là được.
Bước 5: Kho sườn:
Đặt tiếp nồi sườn đã ướp lên bếp, bật lửa lớn, rồi xào sơ xườn. Sau khoảng 2 phút, bạn thêm nước vào nồi sao cho nước ngập sườn. Bạn đậy nắp và đun với lửa lớn. Nước sôi, bạn mở nắp xả hơi nước rồi lại đậy nắp nồi hầm sườn tiếp với lửa nhỏ trong khoảng 15 phút nhé!
Sau 15 phút, bạn cho hết phần măng đã xào vào nồi, tiếp tục đậy nắp và kho với lửa vừa kho trong khoảng 30 phút hoặc đến khi nước cạn bớt.
Cuối cùng bạn nêm nếm lại gia vị tùy theo khẩu vị của gia đình bạn, rồi rắc thêm 1 ít hành lá cắt nhỏ lên mặt là hoàn thành!
Măng sặt muối cay
Măng sặt muối cay chính là tinh hoa ẩm thực của nước Việt ta các bạn. Món này dùng để ăn phở, ăn mì tôm, ăn lẩu ngon hết nước chấm.
Nguyên liệu
- 2 kg măng sặt
- 2 thìa muối tinh
- 4 thìa đường
- Tỏi ớt theo sở thích
Cách chế biến
- Măng tươi rửa sạch để ráo rồi ngâm măng vào nước muối loãng để qua đêm. Sau đó, rửa lại măng khoảng 2 - 3 lần vớt ra để ráo.
- Ớt và tỏi bạn xay nhỏ.
- Tiếp theo bạn đun 1 lít nước sôi cho muối và đường vào khuấy tan. Chờ nước nguội thì cho hỗn hợp ớt tỏi và măng vào đảo đều.
- Cuối cùng cho măng vào hũ và đậy nắp lại. Khoảng 3 ngày sau là có được thành phẩm chua cay.
Miến xào lòng gà và măng sặt
Trong danh sách các món ngon nấu với măng thì không thể bỏ qua món miến xào lòng gà và măng sặt đậm đà được. Cách nấu món ăn này cũng rất đơn giản.
- Nguyên liệu:
- 200 g miến
- 2 bộ lòng gà
- 100 g - 200g măng sặt
- Hành khô, gia vị, hành hoa, rau mùi
- Cách làm:
Bước 1:
- Măng sặt luộc 5 phút trút ra rổ để nguội rồi tước dọc.
- Miến ngâm nước nóng già 10 phút rồi vớt ra để ráo.
Bước 2:
- Lòng gà bạn làm sạch sẽ, cắt nhỏ, phi hành thơm và xào chín, cùng gia vị, trút ra bát.
- Cho măng sặt vào xào với nước lòng gà cho ngấm, nêm cho vừa miệng.
Bước 3:
- Miến trần nước sôi, vớt ra chảo, trút măng, lòng gà vào đảo đều, để lửa nhỏ, nêm cho vừa miệng, để khoảng 5 phút, rồi tắt bếp, cho hành hoa, mùi cắt khúc vào.
Trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết về măng sặtcũng như cách chế biến món ngon từ loại rau này. Hy vọng chia sẻ trong bài viết trên sẽ thực sự có ích với bạn đọc.