Lễ thất tịch là ngày để bày tỏ tình cảm chân thành với người mình yêu, đây cũng được xem là lễ tình nhân ở phương Đông. Nhiều người có kỉ niệm, có nghe qua nhưng chẳng mấy ai có thể hiểu được tường tận ý nghĩa của ngày lễ này. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ tới bạn những thông tin cụ thể nhất.
1. Ngày thất tịch là ngày gì?
Thất Tịch có nhiều tên gọi khác nhau như: Khất Xảo Tiết, Thất Tỷ Đán, Xảo Tịch vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm là câu chuyện vô cùng cảm động về tình yêu đôi lứa. Nếu như phương tây có ngày Valentine thì phương Đông cụ thể là một số nước châu Á lại lấy ngày thất tịch làm ngày lễ tình nhân.
2. Nguồn gốc ngày thất tịch?
Lễ thất tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ. Tương truyền ngày xưa có anh chàng chăn bò tên là Ngưu Lang hết sức hiền lành ở hạ giới. Sau khi cha mẹ qua đời và bị anh trai chiếm hết nhà cửa, ruộng vườn, chàng bị đuổi đi với con trâu già và mảnh ruộng nhỏ cằn cỗi. Không một lời oán thán, chàng siêng năng chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm.
Một ngày nọ, con trâu già đột nhiên cất tiếng nói, bảo chàng đến hồ gần nhà sẽ thấy 7 nàng tiên đang tắm, chàng hãy lấy xiêm y của nàng nhỏ tuổi nhất. Y như lời trâu già, Ngưu Lang nhanh chóng giấu xiêm y của nàng tiên xinh đẹp, thấy động tất thảy đều bay về trời, duy chỉ có nàng út tên Chức Nữ không tìm thấy trang phục đành kết duyên cùng Ngưu Lang. Nàng Chức Nữ là con gái út của Ngọc Hoàng ở Tiên giới. Hai người có với nhau 2 mặt con. Sau khi bị phát hiện, mối nhân duyên tiên - trần bị ngăn cấm, Chức Nữ buộc phải quay về thiên đình.
Ngưu Lang hết lòng nhớ thương vợ bèn mang cả 2 con đứng đợi ở sông Thiên Hà - là nơi ngăn cách giữa 2 chốn tiên, phàm. Từ đó bên cạnh sông có thêm một ngôi sao sáng gọi là sao Ngưu Lang. Ngọc Hoàng cảm động trước tình cảm của đôi vợ chồng liền sai đàn quạ nối đuôi nhau làm thành cây cầu bắc qua sông để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp mặt mỗi lần 1 năm vào ngày 7/7 âm lịch, từ đó ngày này cũng gọi là Lễ Thất Tịch.
Vào ngày này thường xuất hiện mưa ngâu, cha ông xưa nói rằng đó là nước mắt của Ngưu Lang khi được gặp lại vợ mình. Cũng vì thế mà xuất hiện thêm một tên gọi nữa cho Ngưu Lang - Chức Nữ đó là ông Ngâu, bà Ngâu. Dân gian xưa có câu: "Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền". Đây là câu nói tiêu biểu cho nguồn gốc của những cơn mưa ngâu xuất hiện vào tháng 7.
3. Ý nghĩa ngày thất tịch?
Vào ngày thất tịch nếu những đôi trai gái cùng nhau ngắm sao thì sẽ bên nhau trọn đời. Nếu để ý bạn sẽ thấy ngày này, sao Chức Nữ rực sáng lạ. Ngoài ra có không ít bạn trẻ Hà Thành tìm đến chùa Hà để cầu duyên vào ngày lễ thất tịch với mong muốn nhanh chóng tìm được ý trung nhân của đời mình. Vì vậy vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm, chùa Hà trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Nhiều người Hoa ở khắp các quốc gia trên thế giới thường bày biện làm mâm cỗ trong ngày thất tịch. Họ bày đặc sản bánh trái như bánh chay nhân dừa, bánh phục linh, trà, củ ấu, đậu phộng rang, trái cây theo mùa…Nếu ở Việt Nam, mâm cỗ sẽ có thêm món chè đậu đỏ nữa. Thông thường mọi người thường dọn cỗ vào buổi tối để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể thấy được lòng thành. Theo đó, các cô gái cầu mong mình có được sự khéo léo đảm đang như nàng Chức Nữ, còn Ngưu Lang thì cho sức khỏe, sự nhanh nhẹn tới những chàng trai. Chính bởi ý nghĩa đặc biệt này nên bất kì người Hoa nào cũng đều soạn sửa tươm tất vào ngày lễ thất tịch.
4. Tại sao ngày thất tịch ăn đậu đỏ?
Vài năm trở lại đây, mạng xã hội Việt Nam chia sẻ rần rần tin tức rằng vào ngày thất tịch nhất định phải ăn đậu đỏ, có thể là chè, cháo, hay cơm tùy ý. Với người độc thân, ăn chè đậu đỏ vào ngày này sẽ nhanh chóng gặp được nửa kia của mình. Còn với người đã có đôi, thì tình cảm sẽ trở nên bền chặt.
Sở dĩ có thuyết như vậy bởi màu đỏ của đậu thường tượng trưng cho sự may mắn, vận đỏ, những điều tốt đẹp, sẽ giúp hội FA thoát ế. Hơn nữa, vào thời điểm tháng 7 mưa ngâu rất thích hợp với món đậu đỏ. Người người kéo đi ăn đậu đỏ, nhà nhà tìm đến món đậu đỏ và vô tình trào lưu này thu hút cơ số người để ý, tham gia. Nếu để ý bạn sẽ thấy vaò ngày này có vô số hàng quán ăn vặt bán chè đậu đỏ, trên mạng xã hội nhan nhản những hình ảnh khoe mua chè, ăn chè vố mong muốn thoát khỏi cảnh FA.
Trên thực tế thì đây chỉ là một "truyền thuyết mạng" được sáng tạo ra để "câu like, câu tương tác" nhưng vô tình lại tạo nên một hot trend vô cùng thú vị.
Sau khi di cư, người dân Trung Hoa đã truyền bá ngày lễ đặc biệt này vào Việt Nam. Trải qua nhiều năm, lễ thất tịch có sự thay đổi về cách thể hiện, bày biện mâm cỗ nhưng ý nghĩa cũng như nguồn gốc vẫn giữ được giá trị ban đầu.