Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp tết Nguyên Đán của người Việt. Để giúp bạn gói được chiếc bánh đẹp nhất để dâng lên tổ tiên thì cùng Chanh xem ngay chi tiết cách gói bánh chưng bằng khuôn, bằng lá chuối, bằng tay, bánh chưng dài nhé.
Nguyên liệu làm bánh chưng
Để bánh được ngon thì tiêu chuẩn đầu vào sẽ cần rất kỹ lưỡng, chỉnh chu:
- Gạo nếp: chọn loại gạo nếp cái hoa vàng, hạt to tròn đều, mới thu hoạch vào vụ mùa.
- Đỗ xanh: chọn loại đỗ mới, ruột vàng, bở, hạt mẩy.
- Thịt ba chỉ: không nên chọn miếng thịt quá nạc.
- Gia vị: muối, hạt tiêu.
- Lá dong: chọn loại lá bánh tẻ (không quá già, không quá non), khổ rộng vừa phải, đều nhau, không bị rách, có màu xanh mướt.
- Lạt buộc: lạt được chẻ từ ống giang, mỏng, mềm, dẻo dai.
Sơ chế nhân và lá dong gói bánh chưng
Ngâm gạo nếp trước ít nhất 4 - 6 tiếng trước khi gói hoặc tốt nhất là ngâm qua đêm. Sau đó bạn vo sạch và đổ ra giá để ráo và xóc thêm chút muối trắng. Lúc này nếu muốn bánh có màu xanh đẹp mắt và thơm hơn bạn có thể xay lá riềng hoặc lá dứa hoặc lá rau ngót lấy cốt đặc rồi trộn chung với gạo rồi để ráo. Hoặc thêm các màu sắc khác như gấc thì thêm vào lúc này
Đỗ xanh trong nước khoảng 4 tiếng cho nở, sau đó đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu. Cho thêm một thìa muối, trộn đều rồi mang đồ chín. Lúc đỗ còn nóng dùng muỗng đánh cho đỗ tơi nhuyễn rồi nắm thành từng nắm có kích vừa phải. Bạn cũng có thể để nguyên đỗ sống đã ngâm cho nở, vớt ráo nước và xóc muối để gói cũng được nhé.
Thịt ba chỉ là ngon nhất tiế hành rửa sạcch, thái thành từng miếng to bản, dày khoảng 2cm, ướp gia vị vừa đủ và một chút hạt tiêu để khi chín, bánh sẽ có vị thơm và cay nhẹ.
Lá dong rửa thật sạch 2 mặt rồi đem treo ở chỗ mát cho ráo nước. Sau đó dùng khăn khô sạch lau lại cho lá thật khô và dùng dao hoặc kéo dọc bỏ phần sống lá riêng ra để khi gập bánh sẽ không bị rách hoặc gãy. Mẹo nhỏ bạn có thể trần lá qua nước sôi để lá mềm dễ gói hơn
Cách 1: Gói bánh chưng vo bằng tay đẹp
Bước 1: Xếp 2 lá vuông góc với nhau có mặt phải úp xuống dưới, tiếp tục đặt 2 lá khác cũng vuông góc nhau lên trên nhưng mặt phải lại ngửa lên.
Bước 2: Cho một bát con gạo vào giữa phần lá mới xếp.
Bước 3: Đặt phần đỗ xanh đã nắm từ trước vào (hoặc cho một muôi to đỗ xanh sống) vào, sau đó đặt 1-2 miếng thịt ba chỉ đã được tẩm ướp lên. Tiếp tục cho 1 lớp đỗ xanh và cuối cùng là một bát gạo nếp phủ lên trên bao kín phần đỗ và thịt.
Bước 4: Lần lượt gấp các lá dong bên phải và trái trước. Lúc gấp phải chắc tay thì bánh chưng mới đẹp được. Giấu các mép thừa của lá vào bên trong, nếu thừa nhiều có thể dùng kéo cắt đi.
Bước 5: Dùng 2 ngón của mỗi tay bóp lá dong của phần trên vào trong, rồi gập lại trong khi các ngón cái vẫn giữ cố định phần lá đã gấp lúc trước. Làm tương tự với đầu còn lại.
Bước 6: Sau khi chiếc bánh đã được hình thành, dùng 4 chiếc lạt để buộc bánh, phần lạt thừa cài gọn gàng vào các lớp lạt. Bạn cũng có thể đặt 4 chiếc lạt ở dưới lá dong ngay từ bước đầu tiên để tránh cho bánh bị xô lệch khi buộc.
Bước 7: Sau khi hoàn thành cách gói bánh chưng vo này, bạn dùng hai tay ấn nhẹ xuống để bánh được chặt hơn.
Cách 2: Gói bánh chưng bằng khuôn nhanh, đẹp
Bước 1: Xếp 4 lá dong giống như xếp để gói bằng tay, 2 lá dưới úp mặt phải xuống, 2 lá trên ngửa mặt phải lên. Úp ngược khuôn trong lên chính giữa lá.
Bước 2: Dùng lá dong gói chiếc khuôn lại như gói bánh chưng bằng tay ở trên.
Bước 3: Khi lá dong đã được gấp thành một hình vuông vức, dùng khuôn ngoài đặt bao quanh khuôn trong rồi mở lá và nhấc khuôn trong ra.
Bước 4: Cho nguyên liệu gói lần lượt vào phần khuôn lá đã được định hình. Đầu tiên là 1 bát con gạo nếp được dàn đều là khắp khuôn, rồi đến đỗ xanh, thịt đã ướp. Tiếp tục một lượt đỗ, một lượt gạo rồi gói lá lại thật gọn gàng, kín đều bánh theo các nếp gấp đã có.
Bước 5: Sau khi gói xong, dùng một tay giữ phần lá để cố định đồng thời nhẹ nhàng khuôn bánh ra. Sau đó dùng 4 chiếc lạt buộc chặt bánh. Bạn nhớ cài phần lạt thừa vào các lớp lạt để chiếc bánh được gọn gàng.
Cách 3: Cách gói bánh chưng bằng lá chuối
Bước 1: Cắt lá chuối thành từng miếng vuông thích hợp với khuôn gói bánh. Phần lá chuối to thì bạn gấp đôi theo chiều dọc.
Bước 2: Cho lá vào khuôn. Sau đó, cho gạo nếp vào khuôn. Lưu ý chỉ đổ gạo bằng 1/2 chiều cao của khuôn. Khi cho gạo xong, bạn rải đều đậu xanh và thịt xếp đều lên.
Bước 3: Cho thêm một chút gạo lên phủ kín đỗ xanh và thịt. Sau đó gập lá và dùng lạt buộc định hình.
Cách 4: Cách gói bánh chưng dài, bánh tét, bánh tày
Bước 1: Chuẩn bị một chiếc mâm, đặt 3 lá úp xuống, lá này chồng lên nữa lá kia.
Bước 2: Lấy 1 bát gạo cho vào giữa 2 lá, san gạo ra cho đều, sau cho đỗ vào giữa, tiếp tục cho thịt lên trên mặt đỗ, sau lấy đỗ phủ lên thịt, cuối cùng lấy gạo nếp phủ lên kín nhân để nhân không bị hở.
Bước 3: Gấp lá dong theo hình sống lá, vuốt đều vận lá và dùng 1 dây lạt buộc ở giữa. Nhẹ nhàng bẻ gập phần lá góc dưới và dựng đứng chiếc bánh lên. Vỗ nhẹ quanh bánh, sau bẻ đầu lá phía trên gập xuống sát thân bánh, dùng Lạt buộc cố định. Lộn đầu bánh lại và buộc tương tự như đầu kia.
Bước 4: Dùng lạt đã nối dài quấn quanh thân bánh cho chắc
Cách luộc bánh chưng xanh và ngon
Đây là khâu mất nhiều thời gian nhất cũng là khâu rất quan trọng quyết định độ NGON cho chiếc bánh vừa gói
Bước 1: Cho những lá dong thừa, cuống lá, sống lá vào đáy nồi trước khi xếp bánh lên trên để bánh có thêm hương vị và không bị cháy ở đáy nồi. Xếp bánh thẳng đứng rồi đổ ngập nước và đặt lên bếp đun.
Bước 2: Đun lửa to cho đến khi sôi thì giảm bớt. Bánh luôn phải ngập nước khi luộc nên bạn cần phải chuẩn bị sẵn nước cho nồi bánh chưng. Cứ 1 tiếng bạn kiểm tra mực nước trong nồi 1 lần. Nếu nước giảm thì tiếp nước vào.
Bước 3: Bánh chưng luộc bằng bếp củi đủ 12 tiếng thì bánh chín, không lo bị "lại gạo" sau này.
Vớt bánh ra và xếp thành từng lớp, dùng miếng gỗ phẳng hoặc mâm đè lên rồi dùng một vật nặng vừa phải đặt lên trên để bánh được ép rền, phẳng đẹp, ra hết nước không bị nhão và bảo quản được lâu hơn. Bánh ép trong 5-8 tiếng là được
Mẹo: Với các gia đình ở thành thị không có củi thì bạn có thể gói bánh nhỏ đi và luộc bên bếp ga khoảng 8-10 tiếng. Cũng có thể dùng nồi áp suất để luộc thời gian sẽ giảm còn khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên luộc nồi áp suốt thì luộc được ít bánh và bạn cần canh thời gian để trở bánh cũng như châm thêm nước để bánh chín đều.
Bảo quản thành phẩm bánh chưng đã chín
Khi công đoạn làm bánh hoàn tất, bạn có thể bảo quản bánh trong ngăn mát của tủ lạnh. Lúc có khách đến chỉ cần cho bánh vào lò vi sóng hâm lại là dùng được. Hoặc tiến hành treo bánh trên dây như treo quần áo để bánh khô thoáng
Một số cách gói bánh chưng khác
Bánh chưng nếp cẩm
Nếp cẩm hay còn được gọi là nếp than, có màu đen nhưng khi nấu chín sẽ chuyển sang màu tím, nhìn vô cùng đẹp mắt. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, nếp cẩm rất được ưa chuộng dùng để làm nên nhiều món ngon, thú vị như: xôi, bánh, ăn kèm sữa chua,… Đặc biệt là làm món bánh chưng đầy hấp dẫn, ít calories ăn không sợ béo tốt cho sức khỏe nữa nè
Bánh chưng chay
Nếu bạn bị ngán với các món ăn nhiều dầu mỡ thì bánh chưng chay là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ngày đầu năm. Với hương vị thanh đạm được tạo nên bởi vị ngọt thơm của nếp hòa quyện trong vị béo béo, bùi bùi của nhân đậu xanh được tẩm ướp chút tiêu cay, muối, chắc chắn đây sẽ là món ăn khiến bạn phải thích mê
Bánh chưng gù
Bánh chưng gù có hình dáng nhỏ nhắn, gồm 2 màu xanh và đen tượng trưng cho những dãy núi tại Hà Giang cũng như ý chí của những con người nơi đây. Bánh có hương vị đặc biệt, khi mở ra sẽ có mùi thơm, vị đậm đà của nhân bánh kết hợp từ đậu xanh, thịt được tẩm ướp theo công thức riêng sẽ giúp thực khách cảm nhận sự khác biệt của món bánh này.
Bánh chưng gấc
Ngoài món xôi gấc thì bánh chưng gấc cũng là sự lựa chọn tuyệt vời để làm đặc sắc hơn cho mâm cỗ ngày Tết. Cách gói bánh cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần trộn gấc với nếp rồi gói bánh tương tự như bình thường là được.
Bánh chưng cốm
Bánh chưng cốm là phiên bản đặc biệt được biến tấu từ công thức gói bánh chưng truyền thống. Món ăn này thu hút người ăn bởi hương thơm nồng nàn của thức quà mùa thu kết hợp cùng nhân đậu, thịt bùi béo thơm cay rất hấp dẫn.
Bánh chưng ngũ sắc
Tượng trưng cho ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, bánh chưng ngũ sắc được đông đảo thực khách đón nhận không chỉ vì hương vị mới lạ, thơm ngon mà còn bởi màu sắc bắt mắt, độc đắc, điểm tô thêm sự đa dạng cho mâm cỗ ngày Tết.
Bánh chưng nhân cá hồi
Nhiều người cho rằng bánh chưng thì không thể thiếu thịt heo, tuy nhiên bạn sẽ phải bất ngờ với phiên bản bánh chưng nhân cá hồi siêu đặc biệt, vừa thơm ngon, vừa lạ miệng. Đây cũng là món bánh được nhiều người yêu thích dùng để làm quà Tết.
Bánh chưng gói tuy hơi mất công sức và thời gian nhưng đổi lại bạn sẽ có chiếc bánh do chính mình làm ra vừa ngon lành sạch sẽ. Đồng thời còn giúp gia đình con cháu nhớ truyền thống của các cụ và xích lại gần nhau hơn, cùng quây quần bên nồi bánh chưng để cảm nhận rõ được không khí tết đang về. Hy vọng với những cách gói bánh chưng trên đây sẽ giúp bạn dễ dàng gói được nồi bánh thật to cho gia đình, người thân.