Cách cho bé ăn dặm đúng chuẩn là một vấn đề được các bố, các mẹ cực kỳ quan tâm đặc biệt là những bố mẹ trẻ, chưa có đủ kinh nghiệm. Khi bắt đầu qua ngưỡng cửa 6 tháng tuổi, trẻ bước vào thời kỳ tập ăn dặm, đây là thời kỳ quan trọng đối với sự phát triển đầu đời của trẻ.
Mẹ đừng vội cho bé ăn dặm khi chưa đọc bài viết này nhé, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim sẽ gửi đến tất tần tật thông tin về việc ăn dặm cho bé ở bài viết này.
Tìm hiểu về quá trình ăn dặm cho trẻ
Ngay từ khi chào đời, sữa mẹ đã là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng để trẻ phát triển. Tuy nhiên, bắt đầu từ 6 tháng trở đi, hệ tiêu hóa của trẻ đã dần có thể tiêu hóa được những dạng thức ăn cơ bản, cùng với sự lớn lên của trẻ, trẻ cần nhiều chất dinh dưỡng hơn để phát triển. Quan trọng hơn cả là trẻ bắt đầu có hoạt động cơ hàm nhai, nuốt và hệ tiêu hóa bắt đầu cần vận hàng để làm việc.
Đây là thời điểm nên tìm cách cho bé ăn dặm phù hợp, nhằm bổ sung thêm thực phẩm thêm cho trẻ, nguồn dinh dưỡng chính trẻ nhận được vẫn là từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vì vậy, trẻ bắt đầu có thể ăn dặm không có nghĩa là trẻ bỏ bú.
1. Khi nào thì nên cho trẻ ăn dặm
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, thời điểm tốt nhất để cho trẻ bắt đầu ăn dặm là 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều gia đình cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn, điều này ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tự nhiên của trẻ.
- Nếu cho ăn dặm quá sớm trước thời điểm trẻ có thể ăn dặm sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng trong hệ tiêu hóa của trẻ. Hệ tiêu hóa còn non nớt không đủ khả năng tiêu hóa những dạng thức ăn như trẻ lớn sẽ làm trẻ đi ngoài sống phân hoặc đau bụng, trướng bụng. Nghiêm trọng hơn, điều này ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng từ sữa mẹ trong đường ruột.
- Ngược lại, nếu cho trẻ ăn quá muộn, nguồn cung cấp chất dinh dưỡng từ sữa không đủ hoặc có cho trẻ sử dụng thêm sữa công thức để đủ chất. Tuy nhiên, khi trẻ không tập vận động cơ hàm sớm sẽ làm cho khi lớn hơn trẻ phản ứng chậm với các hoạt động nhai và nuốt thức ăn.
2. Dụng cụ trong cách cho bé ăn dặm đúng chuẩn
Đồ dùng cho bé ăn dặm
- Thìa ăn dặm: Khi mới tập cho bé ăn dặm thì nên chọn thìa được làm từ silicon hoặc nhựa mềm. Thiết kế đầu tròn nhỏ sẽ dễ cho bé ăn hơn.
- Bát ăn dặm: Nên chọn bát nhựa hoặc inox để tránh rơi vỡ và dễ vệ sinh. Nên chọn bát nhiều màu sắc có hình vẽ ngộ nghĩnh sẽ tạo cho bé cảm giác thích thú trong mỗi bữa ăn.
- Yếm ăn dặm: Loại yếm vải sẽ mềm mại và bé sẽ hợp tác hơn trong việc mặc yếm, tuy nhiên khó vệ sinh hơn yếm nhựa và yếm nilon.
- Ghế ăn dặm: Nên chọn ghế dễ dàng vệ sinh, thiết kế chắc chắn và tùy theo nhu cầu mà có thể chọn ghế điều chỉnh độ cao thấp hoặc loại ghế có các chức năng khác đi kèm.
Đồ dùng chế biến ăn dặm:
- Nồi hấp: Nồi hấp chuyên dụng sẽ giúp mẹ chế biến đồ ăn dặm cho bé dễ hơn và giữa được chất dinh dưỡng của thực phẩm một cách tối đa.
- Nồi nấu cháo chậm: Loại nồi này rất hữu ích với cách cho bé ăn dặm theo kiểu truyền thống hoặc kiểu Nhật.
- Máy xay: Nên chọn máy xay cầm tay nếu bạn chỉ dùng nó cho mục đích ăn dặm. Còn nếu dùng cho cả gia đình thì nên mua máy xay dạng cối.
- Bộ chế biến đồ ăn dặm: Bao gồm cốc, bát có nhiều rãnh, chày nghiền, rây lưới, đồ vắt cam, mài củ quả…
- Hộp trữ thức ăn: Nên mua loại nhỏ có nắp đậy, chất liệu an toàn không chứa BPA.
3. Thực phẩm nên và không nên cho bé ăn dặm
Giai đoạn 4 tháng - 6 tháng:
Đây là giai đoạn đầu tiên bé chuyển tiếp nguồn dinh dưỡng từ dạng lỏng là sữa mẹ sang dạng đặc ăn dặm, thế nên cần tìm mùi vị thực phẩm bé dễ chấp nhận làm quen và đặc biệt phải tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ như: ngũ cốc và rau, quả.
Ngũ cốc bé có thể dùng tốt trong thời gian này là gạo và khoai lang, khoai tây. Phần lớn rau quả bé có thể ăn được tuy nhiên nên lưu ý với một vài loại đặc biệt như: củ sen, măng và nấm, chúng có thể gây dị ứng và khó tiêu cho bé.
Thịt được chấp nhận trong giai đoạn ăn dặm đầu tiên của bé nhưng các loại hải sản thì không nhé, bố mẹ lưu ý nha!
Giai đoạn 6 tháng - 9 tháng:
Giai đoạn này bố mẹ cần chú ý cung cấp thêm cho bé các dưỡng chất từ rau củ thiên nhiên và các loại ngũ cốc.
Ngũ cốc từ giai đoạn này bé hầu như đã có thể ăn được hết như: gạo, yến mạch, khoai tây, khoai lang, khoai môn ( khi chế biến làm sạch nhựa tránh gây đỏ rát miệng bé).
Giai đoạn này bé có thể tập ăn quen dần với một vài loại cá nhiều chất dinh dưỡng như: cá cơm khô, cá bơn, cá hồi, cá ngừ, cá nục. Tuy nhiên cần lưu ý khi chế biến các loại cá cho bé:
- Cá cơm khô trầm nước sôi nhiều lần cho bớt muối.
- Cá hồi, cá ngừ làm chín kỹ trước khi cho bé ăn.
- Cá nục nên chọn cá tươi khi chế biến.
Rau quả bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như cà rốt, cà chua, bí đỏ,... bé đã có thể ăn thêm củ sen nhưng mẹ lưu ý nên hầm nhừ trước khi cho bé ăn.
Giai đoạn 9 tháng - 12 tháng:
Đây là giai đoạn ngoài rau quả bạn cần bổ sung thêm cho bé chất dinh dưỡng từ thịt và cá thế nên khi chọn thịt và hải sản các mẹ lưu ý kỹ những vấn đề sau:
- Cá thu cho bé ăn loại tươi và ăn ít vì có thể bị dị ứng.
- Dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, tuy nhiên cũng dễ gây dị ứng nên cho bé ăn từng chút một.
- Thịt ức gà nên bỏ da trước khi chế biến.
- Các món được chế biến sẵn như xúc xích, thịt lợn xông khói nên chọn loại không có phụ giai muối và chất béo.
Hướng dẫn cách cho bé ăn dặm bằng 3 phương pháp
1. Ăn dặm theo phương pháp truyền thống
Đây là một phương pháp phổ biến và được nhiều gia đình sử dụng nhất hiện nay. Bố mẹ có thể dễ dàng theo dõi lượng thức ăn và quá trình chuyển loại thức ăn của bé dễ dàng.
Cách thực hiện đơn giản, đó là chuẩn bị nguyên liệu rồi dùng muỗng đưa thức ăn đã được xay nhuyễn, nghiền nát vào miệng cho bé ăn dặm. Mặc dù là phương pháp đơn giản, hiệu quả nhưng cách này lại tăng nguy cơ béo phì và kén ăn ở trẻ.
2. Cách cho bé ăn dặm theo phương pháp BLW
Phương pháp BLW hay còn gọi là phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, bé sẽ được tự lựa chọn, tự ăn với lượng thức ăn vừa phải được chuẩn bị sẵn.
Bé sẽ được ăn các thức ăn dạng thô ngay từ khi tập ăn dặm. Mẹ sẽ hấp hoặc luộc các loại rau củ mềm rồi thái lát mỏng nhỏ vừa tầm tay rồi bày lên bàn cho bé tự cầm thức ăn đưa lên miệng.
BLW tôn trọng sự lựa chọn và sở thích của bé một cách tối đa giúp tăng hứng thú của bé trong mỗi bữa ăn. Hơn nữa, giúp bé tập nhai và xứ lý nuốt thức ăn tốt ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, mẹ sẽ phải dọn "bãi chiến trường" sau khi bé ăn và có thể bé sẽ không ăn đủ lượng cần thiết.
3. Phương pháp ăn dặm với bình bóp và túi nhai
Với túi nhai ăn dặm, bố mẹ cho thức ăn dạng thô như trái cây, rau củ, thịt, cá làm mềm được cho vào túi chứa có nhiều lỗ thoát thức ăn rồi đưa bé tự cầm nhai. Còn bình bóp, bố mẹ cho các loại thức ăn dạng lỏng sệt như cháo hoặc bột.
Phương pháp này ít người áp dụng hơn 2 cách trên nhưng lại có rất nhiều ưu điểm: không làm đau lưỡi và nướu của bé, không rơi vãi thức ăn, không hóc nghẹn và dễ dàng vệ sinh.
Thực đơn cho trẻ ăn dặm phổ biến
Sau khi tìm kiếm được một cách cho bé ăn dặm phù hợp với điều kiện và thời gian, các mẹ hãy sắp xếp và tạo nhiều menu đa dạng cho bữa ăn của bé. Như vậy vừa đảm bảo bé có đủ dinh dưỡng, vừa giúp bé không bị kén ăn.
Dưới đây là một số thực đơn đơn giản và dễ thực hiện cho mẹ tham khảo.
- Cháo trứng gà + khoai lang: Đun cháo trắng cùng khoai lang ninh nhừ, khi đủ độ mềm để bé có thể ăn thì cho thêm lòng đỏ trứng gà vào đun chín.
- Cháo tôm + rau dền: làm sạch, bỏ vỏ và xay tôm cho nguyễn, xay rau dền, sau đó nấu chung cùng cháo trắng đã ninh nhừ cho đến khi chín hẳn.
- Cháo cá hồi + cải bó xôi: Cá hồi ngâm sữa để bớt tanh, bé dễ ăn hơn. Cải bó xôi xay rối. Khi cháo đã ninh nhừ sôi thì thả cá hồi vào, quấy cho thớ cá vỡ ra, sau đó cho rau cải vào đun sôi.
- Cháo chim câu + bí đỏ: Chim câu lọc lấy thịt băm nhỏ, bí đỏ xay rối cho vào ninh nhừ cùng cháo trắng cho đến khi chín.
- Cháo thịt bò + măng tây + phomai: Thịt bò xay nhỏ, măng tây lấy ngọn non xay nhỏ rồi cho vào đun cùng cháo trắng đến khi sôi thì cho thêm phomai quấy đều.
Các món cháo trên có thể thêm dầu cá hoặc dầu oliu khi cháo đã bớt nguội để bổ xung thêm omega 3 và 6 cho trẻ. Các món cũng có thể thêm phomai nếu trẻ thấy thích thú với vị phomai ngon ngậy trong cháo.
Những lưu ý quan trọng trong quá trình cho trẻ ăn dặm
Ăn dặm là một quá trình quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ. Chọn cách cho bé ăn dặm nào cũng được, miễn là nó phù hợp với điều kiện gia đình mình. Tuy nhiên, các bố các mẹ phải có sự chuẩn bị cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng. Đồng thời phải lưu ý những điều sau đây:
- Cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Đây là nguyên tắc đầu tiên khi bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm.
- Lựa chọn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi của trẻ.
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu của trẻ. Không ép trẻ ăn nếu tre không muốn vì có thể thức ăn không hợp khẩu vị hoặc trẻ đã bú no rồi. Nếu cố tình ép trẻ ăn sẽ làm cho trẻ ấn tượng mà sợ thức ăn, gây áp lực tâm lý cho trẻ, nếu thực sự trẻ đã no mà ép trẻ ăn có thể khiến dạ dày trẻ bị giãn đột ngột, trẻ bị đầy bụng, trào ngược dạ dày gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ.
- Theo dõi những thay đổi của trẻ sau khi trẻ ăn dặm xem trẻ có bị dị ứng với loại thức ăn nào không, trẻ có bị khó tiêu hay không thích hợp với loại thức ăn nào, trẻ thích thú với món ăn gì. Phân của trẻ khi thải ra có tiêu hóa được dạng thức ăn đó không, trẻ có bị đi ngoài không.
- Lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, không có dư lượng những chất hóa học độc hại. Quá trình sơ chế cần giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh để xảy ra tình trạng thực phẩm không còn tươi ngon, hoặc thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn khi để ngoài môi trường quá lâu.
- Luôn bên cạnh trẻ trong quá trình ăn dặm để đảm bảo an toàn cho trẻ trong những trường hợp dị ứng, nghẹn, hóc.
Trên đây Siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã gửi đến bạn những thông tin chi tiết nhất về quá trình ăn dặm cho trẻ. hy vọng bài viết sẽ cung cấp thêm những thông tin bổ ích và giúp bố mẹ có thêm kiến thức về cách cho bé ăn dặm phù hợp nhất.