Tài sản tín dụng là một trong những của cải hàng đầu đối với phần đông người dân Việt Nam chúng ta hiện nay.
Sau một thời gian làm việc, bất cứ ai cũng có thể để dành cho bản thân một lượng tiền nhất định, và khi nó đủ lớn mọi người hoặc sẽ sử dụng cho mục đích gì đó, số còn lại xem khoản tiền đó là nhàn rỗi và gửi vào ngân hàng nhằm sở hữu lợi tức. Từ nông thôn tới thành thị, việc gửi tiền và giao dịch với các ngân hàng không còn trở nên xa lạ như trước nữa.
Thế nhưng trong tổng số 33 Ngân hàng thương mại hiện còn đang tồn tại ở Việt Nam hiện nay
Ngân hàng nào được xem là lớn nhất?
Sở dĩ chúng ta cần xác định điều này là bởi, các ngân hàng lớn sẽ tạo ra được sự uy tín nhất định, đảm bảo sự an toàn cho khoản tiền gửi, hoặc có nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, hay đơn giản là hệ thống chi nhánh và ATM lớn mạnh thuận tiện cho các giao dịch. Bài viết này có lẽ sẽ không quá cần thiết cho những người có hiểu biết về kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng.
Cá nhân người viết - là tôi đây :D - cũng đang là sinh viên khối ngành kinh tế, và với hiểu biết của mình tôi quyết định dành thời gian cho việc cung cấp thông tin cho mọi người về vấn đề ngân hàng này, nhất là những người không có nhiều sự am hiểu về kinh tế và muốn biết được những ngân hàng nào lớn để họ tiếp cận, hoặc dành cho những bạn sinh viên khác có thêm kiến thức cho bản thân.
Thêm một điểm lưu ý nữa, bài viết này không đề cập tới ngân hàng đầu tư mà chỉ nói đến ngân hàng thương mại là bởi tại Việt Nam hiện nay vẫn không có một ngân hàng nào chỉ là ngân hàng đầu tư.
Hầu hết 33 Ngân hàng còn lại trên thị trường tài chính đều là ngân hàng thương mại nhưng cũng kèm theo những chức năng dịch vụ của một ngân hàng đầu tư thông thường. Còn con số 33, sẽ có nhiều người cảm thấy "ồ, sao nhiều quá vậy?!" :D
Thực ra có nhiều hơn thế nữa, nhưng sau 3 sự kiện sáp nhập ngân hàng vào năm 2014 và 2015, hiện tại chỉ còn 33, nhưng không phải ngân hàng nào cũng triển khai dịch vụ cho khách hàng cá nhân, rất nhiều trong số họ là ngân hàng chuyên cung cấp tín dụng cho các công ty lớn, chính vì thế phần đông chúng ta vẫn cảm thấy xa lạ.
Ngân hàng như thế nào thì được xem là lớn?
Một ngân hàng lớn là ngân hàng lớn cả bên ngoài lẫn bên trong! Lớn bên ngoài là những gì hữu hình mà chúng ta có thể nhìn ra được - Số chi nhánh, quy mô chi nhánh, quy mô nhân viên, số lượng ATM... Còn lớn ở bên trong không gì khác chính là tài sản tín dụng của ngân hàng cũng như khả năng chi trả của ngân hàng là như thế nào.
Với những người không am hiểu về lĩnh vực ngân hàng, những ngân hàng được xem là lớn chính là những ngân hàng có tần suất xuất hiện trước mắt họ nhiều. Và điều đó ít nhiều ảnh hưởng bởi quảng cáo thông qua tivi, internet hay đơn giản hơn là những ấn phẩm lịch, sổ tay, đồng hồ, mũ bảo hiểm...
Tuy vậy, nhận định này không thực sự chính xác nếu không muốn nói là sai lầm, bởi những ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam như bản thân mình quan sát thì họ không thường quảng cáo cũng như phát hành ấn phẩm bằng những ngân hàng nhỏ hơn và tìm cách cạnh tranh nhiều hơn.
So với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, hiện chưa có thành viên nào của khối ngân hàng thương mại cổ phần có thể áp sát về quy mô.
Bằng nhiều đánh giá so sánh, mình xin được liệt kê top 5 ngân hàng thương mại mà cá nhân mình - thông qua nhiều bài báo kinh tế, những bài thống kê về ngân hàng mà mình tổng hợp được - cho rằng lớn nhất Việt Nam hiện nay và được xếp theo thứ tự giảm dần.
1. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
Nghe qua cái tên thì có vẻ khá "hai lúa" và kém phát triển, nhưng mọi người ạ, đây là ngân hàng được xem là lớn nhất hiện nay tại Việt Nam bởi sở hữu số tài sản khổng lồ lên tới khoảng 850 000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ tính tới hết nửa đầu năm 2015 là gần 30 000 tỷ đồng.
Agribank luôn chú trọng đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng phục vụ đắc lực cho công tác quản trị kinh doanh và phát triển mạng lưới dịch vụ ngân hàng tiên tiến.
Agribank là ngân hàng đầu tiên hoàn thành Dự án Hiện đại hóa hệ thống thanh toán và kế toán khách hàng (IPCAS) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Với hệ thống IPCAS đã được hoàn thiện, Agribank đủ năng lực cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, với độ an toàn và chính xác cao đến mọi đối tượng khách hàng trong và ngoài nước.
Hiện nay Agribank đang có 10 triệu khách hàng là hộ sản xuất, 30.000 khách hàng là doanh nghiệp (chỉ mới tính tới năm 2009, hiện nay con số chắc chắn đã tăng lên rất nhiều).
Agribank là một trong số các ngân hàng có quan hệ ngân hàng đại lý lớn nhất Việt Nam với 1.034 ngân hàng đại lý tại 95 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính đến tháng 12/2009).
Chỉ nói tới đây thôi, và không cần kể tới những thành tích mà Agribank đạt được, có thể thấy với vị thế hiện tại của mình, khó có thể nào làm cho Agribank xuống sức trong nhiều năm tới. Đó chính là lý do mà người dân và doanh nghiệp có thể an tâm khi giao dịch tại ngân hàng này.
2. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Bank for Investment and Development of Vietnam là tên tiếng Anh của ngân hàng này. Với việc được thành lập từ năm 1957, không ai khác mà chính BIDV là ngân hàng thương mại lâu đời nhất tại Việt Nam.
Với cái nền mạnh mẽ đó, họ đang liên tục phát triển không ngừng, bằng chứng là việc vươn lên từ vị trí thứ 4 nhiều năm trước và nay đã đứng top 2, vượt qua cả Vietinbank và Vietcombank.
Dân ngân hàng ham hố vào đây bởi có một thông tin khá thú vị là BIDV có lương trả cho nhân viên cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam. Điều này sẽ làm cho nhân viên nhiệt tình, hăng hái hơn, và tất nhiên đi kèm theo những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Tính đến 30/9/2015, quy mô tổng tài sản của BIDV đã lên tới 786.161 tỷ đồng. Một phần góp vào quy mô này là việc sáp nhập Ngân hàng Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vừa qua.
Dù cho khoảng cách với ngôi đầu vẫn còn lớn, nhưng với việc chỉ trong thời gian ngắn mà bỏ xa với nhóm thứ 3 và 4 thì rõ ràng họ đang đi rất đúng hướng, điều đó cũng là kết quả của sự nỗ lực cố gắng thu hút khách hàng doanh nghiệp.
Nói tới đây cũng cần nói thêm một chút, BIDV không có thiên hướng chú trọng quá nhiều vào khách hàng cá nhân, mà với mục tiêu đầu tư phát triển, họ muốn tập trung vào khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn, nơi có những giao dịch và thị trường rất lớn. Nếu bạn là một cá nhân hay doanh nghiệp, chắc chắn bạn vẫn sẽ cảm thấy an tâm khi giao dịch tại đây.
Tuy nhiên có một lưu ý nhỏ, đó là việc số lượng ATM theo cá nhân mình đánh giá là khá ít so với 3 ông kẹ trong Big 4 kia, và thậm chí đôi khi ATM của họ còn nằm ở vị trí khá bất lợi, điển hình như chi nhánh Nguyễn Tri Phương TPhcM có cái ATM nằm tút phía trong, khách hàng khó tìm kiếm, làm biếng leo lên cầu thang nữa.
3. Ngân hàng thương mại cổ phẩn Công thương Việt Nam (Vietinbank)
Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) được thành lập từ năm 1988 sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đọc câu này chắc có nhiều người ít nhiều cũng có chút gì đó an tâm phải không nào :D
Sự nổi lên của BIDV đã đẩy VietinBank xuống vị trí thứ ba trong hệ thống, với quy mô tổng tài sản đến 30/9/2015 là 710.691 tỷ đồng.
Dự kiến, với kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, tổng tài sản VietinBank sẽ cộng thêm khoảng 25.000 tỷ đồng nữa, nhưng cách biệt với hai vị trí dẫn đầu vẫn khá lớn.
Với hệ thống mạng lưới trải rộng toàn quốc với hơn 150 Sở Giao dịch, chi nhánh và trên 900 phòng giao dịch/ Quỹ tiết kiệm tính tới năm 2013, Vietinbank đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu giao dịch của các khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp tại các địa phương.
Một nhược điểm ở VietinBank khiến cá nhân mình không hài lòng ở họ chính là sự thờ ơ trước "vẻ ngoài" của các cây ATM. Mình thực sự chả thích rút tiền ở VietinBank tí nào. Toàn mấy cây xấu xí, khá dơ, không biết có ai lau chùi hay không.
Chưa kể họ còn kì cục ở chỗ, nhiều cây ATM cứ 10h là có người ra khóa cửa không cho sử dụng nữa. Gì kì lạ vậy! Thời nay trộm cắp kiểu đó bộ nhiều lắm sao, và nếu họ sợ sao nhiều nơi khác không sợ!
4. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trước đây, nay là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thành lập ngày 01/4/1963, với tổ chức tiền thân là Cục Ngoại hối (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm cổ phần hoá, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chính thức hoạt động với tư cách là một Ngân hàng TMCP vào ngày 02/6/2008 sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Ngày 30/6/2009, cổ phiếu Vietcombank (mã chứng khoán VCB) chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM.
Từ một ngân hàng chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại, Vietcombank ngày nay đã trở thành một ngân hàng đa năng hoạt động đa lĩnh vực, cung cấp cho khách hàng đầy đủ các dịch vụ tài chính hàng đầu trong lĩnh vực thương mại quốc tế; trong các hoạt động truyền thống như kinh doanh vốn, huy động vốn, tín dụng, tài trợ dự án...cũng như mảng dịch vụ ngân hàng hiện đại: kinh doanh ngoại tệ và các công vụ phái sinh, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử...
Sở hữu hạ tầng kỹ thuật ngân hàng hiện đại, Vietcombank có lợi thế rõ nét trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý tự động các dịch vụ ngân hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao.
Các dịch vụ: VCB Internet Banking, VCB Money, SMS Banking, VCB Cyber Bill Payment,...đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút đông đảo khách hàng bằng sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, dần tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt (qua ngân hàng) cho khách hàng.
Vietcombank hiện có khoảng 11.500 cán bộ nhân viên, với gần 400 Chi nhánh/Phòng Giao dịch/Văn phòng đại diện/Đơn vị thành viên trong và ngoài nước, gồm Hội sở chính tại Hà Nội, 1 Sở Giao dịch, 74 chi nhánh và gần 300 phòng giao dịch trên toàn quốc, 3 công ty con tại Việt Nam, 2 công ty con tại nước ngoài, 1 văn phòng đại diện tại Singapore, 4 công ty liên doanh, 2 công ty liên kết.
Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát triển một hệ thống Autobank với khoảng 16.300 máy ATM và điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) trên toàn quốc. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới hơn 1.300 ngân hàng đại lý tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cá nhân mình từng viết bài hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ VCB Internet Banking, cũng là một khách hàng thường xuyên của họ, từng ghé qua nhiều tòa nhà văn phòng trụ sở, và những gì đọng lại trong lòng mình là hai chữ "tuyệt vời".
Từng cây ATM được làm sạch đẹp, thậm chí họ đặt 2 3 ATM cạnh nhau là chuyện thường. Văn phòng nhiều, cái nào cũng cao to vô đối, giao dịch nhanh chóng, dịch vụ dễ sử dụng, những chương trình khuyến mãi rất thường xuyên (chúng được gửi về mail của mình hàng tuần) nhờ vào sự liên kết đối ngoại vô cùng tốt, cá nhân mình khuyên bạn hãy giao dịch ở ngân hàng này nếu là một khách hàng cá nhân.
5. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
Quy mô tổng tài sản lớn nhất ở khối cổ phần hiện là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), tổng tài sản của Sacombank ở mức 297.184 tỷ đồng, tức vào khoảng 1/3 Agribank.
Với quy mô không mấy lớn, mọi người cũng không nên quá thắc mắc là tại sao lại ít thấy ATM của Sacombank như vậy, dù cho việc quảng cáo của họ là khá rầm rộ, tài trợ xã hội không ít.
Sacombank là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thuộc top khủng nhất, khi tốc độ lên tới 64%/năm, điều này chứng minh nhiều nỗ lực của họ. Bản thân mình không nắm rõ là họ thiên về khách hàng doanh nghiệp hay cá nhân nữa, nhưng điều này chắc chắn không làm ảnh hưởng tới các cô các bác muốn gửi tiền ngân hàng hen, vì đây vẫn là một ngân hàng rất lớn, hơn hẳn nhiều ngân hàng khác.
6. Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB)
Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (tên giao dịch bằng tiếng Anh: Asia Commercial Bank), được gọi tắt là Ngân hàng Á Châu (ACB), chính thức đi vào hoạt động kinh doanh ngày 4 tháng 6 năm 1993.
ACB có mạng lưới rộng khắp gồm 280 chi nhánh và phòng giao dịch tại những vùng kinh tế phát triển trên toàn quốc:
Tại TP Hồ Chí Minh: 1 Sở giao dịch, 30 chi nhánh và 103 phòng giao dịch
Tại khu vực phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc): 15 chi nhánh và 58 phòng giao dịch
Tại khu vực miền Trung (Thanh Hóa, Đà Nẵng, Daklak, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hội An, Huế, Nghệ An, Lâm Đồng): 11 chi nhánh và 21 phòng giao dịch
Tại khu vực miền Tây (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre và Cà Mau): 9 chi nhánh, 9 phòng giao dịch (Ninh Kiều, Thốt Nốt, An Thới)
Tại khu vực miền Đông (Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Vũng Tàu): 4 chi nhánh và 20 phòng giao dịch. Trên 2.000 đại lý chấp nhận thanh toán thẻ của Trung tâm thẻ ACB đang hoạt động 812 đại lý chi trả của Trung tâm chuyển tiền nhanh ACB-Western Union.
Rõ ràng những con số trên chứng minh cho tầm vóc của ACB. Cá nhân mình không có nhiều thông tin của ngân hàng này nên cũng bó tay không biết phải thông tin gì thêm cho mọi người.
Swift code: ASCBVNVX
Website: https://www.acb.com.vn/
Lời kết
Ngoài những ngân hàng lớn trên, mọi người có thể lựa chọn các cái tên khác như Maritime Bank, Techcombank, VPbank, DongA Bank, VIB, MB... đó đều là những ngân hàng có uy tín rất lớn trên thị trường tài chính hiện nay.
Dù là ngân hàng nào thì hiện tại ở Việt Nam, các khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp vẫn có thể an tâm bởi chắc chắn Nhà nước sẽ không để bất cứ ngân hàng nào vỡ nợ bằng nhiều biện pháp mà cuối cùng là sáp nhập như với 3 ngân hàng trước.
Do vậy, có thể nói giao dịch ngân hàng tại Việt Nam khá an toàn, mọi người chỉ cần lựa chọn màu yêu thích hoặc ngân hàng nào gần nhà, thậm chí là nhiều ATM nhất cũng được :))
Nói vậy thôi, mọi người nên tìm kiếm một bài viết nói về lãi suất của các ngân hàng để xem gửi tiền ở đâu có lợi hơn. Mình hi vọng bài viết này sẽ sớm xuất hiện trên Siêu thị điện máy Nguyễn Kim.