Tài chính

Sàn Hose là gì? A-Z những thông tin cần biết cho nhà đầu tư F0

Ngày đăng: 10.08.2022 - 16:02

Sàn Hose là gì? Nguyên tắc và cách thức hoạt động như thế? Trên thị trường chứng khoán hiện nay chia làm 3 sàn Hose (HSX), HNX, Upcom. Trong đó sàn Hose chiếm tỉ trọng cao nhất, có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số chung của thị trường - VNIndex.

Dưới đây, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim sẽ giới thiệu những thông tin cơ bản về sàn Hose để các nhà đầu tư mới (F0) hiểu rõ và tham gia "cuộc chơi".

Sàn Hose là gì? chức năng của sàn Hose?

Sàn Hose là một đơn vị trực thuộc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Sàn được thành lập vào ngày 20/7/2000 tiền thân là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/07/2000 với 02 doanh nghiệp niêm yết, 6 công ty chứng khoán thành viên.

Năm 2007, theo Quyết định số 599/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM được chuyển đổi thành Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng và Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu. 

Đến năm 2015 vốn điều lệ của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh lên thành 2.000 tỷ đồng.

Ngày 23/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trở thành các công ty con do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Từ ngày 06/08/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Sàn Hose là nơi trung gian phân phối các sản phẩm chứng khoán, giúp tiếp cận công chúng và huy động vốn thị trường. Hiện nay, sàn HoSE được xem là sàn chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam.

san-hose-la-gi-1-1656942903

 

Thông tin liên hệ của sàn chứng khoán Hose:

  • Tên giao dịch: Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) hay HSX
  • Tên giao dịch tiếng Anh: Ho Chi Minh Stock Exchange
  • Trụ sở: Số 16 Võ Văn Kiệt, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: (84-28) 38 217 713, Fax: (84-28) 38 217 452
  • Website: https://www.hsx.vn/

Chức năng của sàn Hose:

  • Niêm yết chứng khoán doanh nghiệp trong nước dưới dạng VNĐ.
  • Là thị trường thứ cấp phát hành những trái phiếu hiện hữu.
  • Cung cấp mã chứng khoán cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam ra thị trường tiêu thụ.
  • Phân phối chứng khoán cho các đại lý trong cả nước.
  • Thực hiện phát triển thị trường vốn, ban hành quy định, cấp giấy phép hoạt động và giấy phép niêm yết chứng khoán.
  • Cung cấp nền tảng đặt lệnh và khớp lệnh tự động cho thị trường chứng khoán.
  • Cập nhật giá và biến động thị trường chứng khoán mỗi ngày.

Cơ sở pháp lý:

  • Tiếp nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn và tài sản theo quy chế quản lý tài chính do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành, quy định của pháp luật và quy định tại Quyết định số 07/QĐ-HĐTV về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức và vận hành thị trường giao dịch chứng khoán theo Khoản 4 Điều 2 Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và quy định của pháp luật chứng khoán.

Ưu và nhược điểm của sàn Hose

Chúng ta đã biết được sàn Hose là gì? Vậy sàn Hose có những ưu và nhược điểm gì khi giao dịch? cùng tìm hiểu bạn nhé.

Ưu điểm 

  • Hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, được bảo hộ bởi cơ quan quản lý nhà nước, quản lý bởi Ủy ban chứng khoán nhà nước.
  • Sàn vận hành minh bạch, công khai, cam kết bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
  • Số lượng cổ phiếu niêm yết lớn, tập trung các công ty đầu ngành, đảm bảo nhu cầu giao dịch tốt.
  • Cách thức mở tài khoản giao dịch diễn ra đơn giản, áp dụng giao dịch cho tất cả tài khoản mở của các công ty môi giới chứng khoán.
  • Quyết định chỉ số chung VNIndex, là cơ sở vận hành nền chứng khoán của cả nước.
  • Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Nơi huy động nguồn vốn lớn nhất từ các nhà đầu tư.

Nhược điểm

  • Khối lượng giao dịch tăng khiến hệ thống bị tắc nghẽn do quá tải.
  • Sàn Hose tạm ngưng hoạt động gây thiệt hại cho nhà đầu tư dù chỉ là trong thừi gian ngắn, tính bằng từng phút.
  • Nền tảng công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu giao dịch hiện nay.

Các công ty trên sàn chứng khoán Hose

Có thể nói, nhờ việc tham gia sàn Hose mà các công ty có cơ hội tiếp cận được nhiều nguồn vốn từ thị trường chứng khoán. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tiến hành niêm yết chứng khoán của mình trên sàn Hose, có thể kể đến những cái tên nổi bật như:

  • Công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk
  • Công ty CP An Phát Holdings
  • Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú
  • Công ty Cổ phần Bamboo Capital
  • Tổng Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Một số các ngân hàng cũng tham gia vào sàn Hose như:

  • Ngân hàng TMCP Á Châu
  • Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank
  • Ngân hàng Vietcombank

Các lệnh giao dịch trên sàn chứng khoán Hose

Để có thể giao dịch trên sàn Hose, bạn cần biết rõ quy định và cách đặt các lệnh giao dịch để khớp lệnh (tức là việc thực hiện xong thỏa thuận giữa bên mua và bên bán, theo mức giá phù hợp với nguyên tắc ưu tiên khớp lệnh của thị trường), cụ thể như sau:

1. Lệnh ATO

Lệnh ATO (At the opening) tức là lệnh giao dịch tại mức giá mở cửa. Lệnh này được áp dụng để ở phiên giao dịch định kỳ mở cửa, áp dụng trên sàn HOSE vào khung giờ từ 9h - 9h15 hàng ngày (các ngày giao dịch từ thứ 2-6, thứ 7 và chủ nhật sàn nghỉ). 

Lệnh ATO thường được ưu tiên hơn so với các lệnh khác trong cùng một thời điểm khớp lệnh. Nếu lệnh không được khớp lệnh sẽ tự động bị huỷ sau khi xác nhận giá mở cửa.

Điều kiện khớp lệnh: 

  • Nếu bạn đặt mua cổ phiếu, lệnh mua sẽ khớp nếu giá xác định ở phiên ATO bằng hoặc thấp hơn giá bạn muốn mua.
  • Ngược lại với chiều bán, lệnh bán sẽ khớp nếu giá xác định ở phiên ATO bằng hoặc cao hơn giá mà bạn muốn bán.

san-hose-la-gi-2-1656943075

Lệnh ATO là gì?

2. Lệnh ATC

Lệnh ATC (At the closing) nếu như ATO là lệnh mở cửa thì ATC là lệnh giao dịch chứng khoán tại mức giá giá đóng cửa. 

Lệnh được áp dụng ở phiên giao dịch định kỳ đóng cửa, trong khoảng thời gian từ 14h30 - 14h45. Là lệnh có thứ tự ưu tiên cao nhất trong thời điểm giao dịch 15 phút cuối phiên giao dịch.

Điều kiện khớp lệnh:

  • Lệnh mua hoặc bán sẽ khớp nếu giá xác định ở phiên ATC bằng hoặc cao hơn giá mà bạn muốn mua/ bán.
  • Lệnh ATC tự động hủy nếu không khớp lệnh, hoặc thực hiện không hết.

3. Lệnh giới hạn LO

Lệnh LO (Limit Order) là lệnh mua hoặc bán có mức giá được đặt theo ý muốn của người đầu tư căn cứ vào giá đang khớp lệnh. Đây là lệnh được các nhà đầu tư áp dụng nhiều nhất, phụ thuộc vào từng thời điểm của phiên giao dịch.

Điều kiện khớp lệnh:

  • Khi đặt lệnh LO, lệnh của bạn sẽ không được khớp ngay mà phải đáp ứng nguyên tắc khớp lệnh (ưu tiên về giá, ưu tiên về thời gian). Lệnh LO chỉ được khớp ngay nếu như bạn đặt mua với giá cao hơn hoặc bằng với giá hiện đang bán.
  • Lệnh LO có hiệu lực từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên giao dịch (Bắt đầu 9h - kết thúc 15h), trừ trường hợp lệnh bị hủy bỏ. 
  • Tuy nhiên, trong phiên khớp lệnh định kỳ, lệnh LO có mức độ ưu tiên khớp lệnh sau lệnh ATO, ATC, còn trong phiên khớp lệnh liên tục, lệnh LO sẽ khớp sau lệnh MP.

4. Lệnh thị trường MP

Lệnh MP (Market Price) là lệnh cho phép nhà đầu tư mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất và bán chứng khoán tại mức giá mua cao nhất trên thị trường tại thời điểm đó.

Điều kiện khớp lệnh:

  • Lệnh MP chỉ được thực hiện trong phiên khớp lệnh liên tục. Lệnh sẽ tự động hủy ngay trên hệ thống nếu không có lệnh giới hạn đối ứng trên hệ thống vào tại thời điểm đó (điều kiện để khớp lệnh).
  • Lệnh MP được thực hiện nhanh hơn so với lệnh LO do được đưa vào so khớp ngay sau khi đặt lệnh.

5. Sửa/ Hủy lệnh giao dịch

Thông thường nếu muốn sửa hoặc hủy lệnh bạn chỉ thực hiện được khi lệnh đó hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện. 

Đối với những lệnh giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa (phiên ATO) và đóng cửa (phiên ATC)  thì không được hủy.

Những phương thức giao dịch và nguyên tắc khớp lệnh trên sàn Hose

1. Phương thức giao dịch

Mỗi lệnh giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ có những đặc điểm, cách khớp lệnh khác nhau. Hiện nay, có 3 loại khớp lệnh dựa trên các phương thức giao dịch như sau:

Khớp lệnh định kỳ

  • Là phương thức giao dịch được thực hiện dựa trên cơ sở đối chiếu, so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán tại một thời điểm xác định, nhằm tìm ra mức giá mà tại đó khối lượng giao dịch là lớn nhất.
  • Khớp lệnh định kỳ thường được dùng để xác định giá mở cửa (phiên ATO) và giá đóng cửa (phiên ATC). Trong phiên khớp lệnh định kỳ bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi xuống lệnh vì sẽ không được sửa hoặc hủy lệnh cho đến khi hết thời gian của phiên đó.

Khớp lệnh liên tục

  • Là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở so sánh khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán liên tục ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch.
  • Bạn hiểu đơn giản là giá cả sẽ được cập nhật và xác định liên tục tại thời điểm của phiên giao dịch diễn ra những biến động được tính theo từng thời điểm, chứ không cần phải chờ đến một thời điểm nhất định nào đó thì hệ thống giao dịch mới khớp lệnh.

Ví dụ: Giá cổ phiếu A giao dịch trên sàn Hose lúc 10h có giá 19.000 đồng, 10h05 có giá 19.500 đồng thì giá khớp lệnh liên tục tại thời điểm 10h05 là 19.500 đồng.

Khớp lệnh thỏa thuận

  • Là phương thức giao dịch mà bên mua và bên bán tự thỏa thuận với nhau về các điều kiện giao dịch, sau đó thông báo cho công ty chứng khoán để ghi nhận kết quả giao dịch vào hệ thống.
  • Giá dựa trên nguyên tắc thỏa thuận của 2 bên mua và bán.

2. Nguyên tắc chung khớp lệnh tại sàn Hose

san-hose-la-gi-3-1656943299

Nguyên tắc khớp lệnh

Nhà đầu tư cần biết nguyên tắc khớp lệnh tại sàn Hose để có thể thuận lợi giao dịch. Có 2 nguyên tắc khớp lệnh, cụ thể như sau:

Ưu tiên về giá

  • Lệnh mua sẽ được ưu tiên trước nếu như mức giá mua cao hơn. 
  • Lệnh bán có mức giá thấp hơn sẽ được ưu tiên trước.

Ưu tiên về thời gian

  • Lệnh nào đặt trước sẽ khớp lệnh trước.
  • Nếu trong cùng một mức giá và cùng một thời gian đặt lệnh nếu giá, lệnh nào được nhập vào hệ thống trước thì được ưu tiên khớp lệnh trước.
     

Các quy định giao dịch trên sàn chứng khoán Hose

Khi tìm hiểu về sàn Hose là gì, bạn cần biết những quy định khi bạn giao dịch trên sàn:

1. Thời gian giao dịch trên sàn HoSE

Sàn HOSE mở cửa lúc 9h sáng và đóng cửa lúc 15h00 chiều, làm việc giờ hành chính và nghỉ thứ 7, chủ nhật, nghỉ lễ theo quy định nhà nước. Cụ thể:

Đối với chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ ETF và cổ phiếu:

  • 9h-9h15: Khớp lệnh định kỳ và mở cửa (ATO)
  • 9h15-11h30: Khớp lệnh liên tục và thỏa thuận 
  • 11h30-13h00: Nghỉ giữa phiên giao dịch
  • 13h-14h30: Khớp lệnh liên tục và thỏa thuận 
  • 14h30-14h45: Khớp lệnh định kỳ đóng cửa và thỏa thuận (ATC)
  • 14h45-15h: Giao dịch thỏa thuận

Đối với trái phiếu:

  • 9h-11h30: Giao dịch thỏa thuận
  • 11h30-13h: Nghỉ giữa phiên giao dịch
  • 13h-15h: Giao dịch thỏa thuận

2. Biên độ dao động giá

Biên độ dao động giá áp dụng đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư là +/-7% (không áp dụng đối với trái phiếu).

  • Giá trần (giá cao nhất trong phiên) = Giá tham chiếu * (1 + biên độ dao động).
  • Giá sàn (giá thấp nhất trong phiên) = Giá tham chiếu * (1 - biên độ dao động).

Trong đó, giá tham chiếu được xác định là giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất trước đó.

Ví dụ: Trong phiên giao dịch ngày 04/7/2022, mã chứng khoán ABC có giá tham chiếu là 20.000 đồng, với biên độ giao động cao nhất là 7%, ta có thể xác định được: giá trần 21.4000 đồng  (+7%,) giá sàn 18.600 đồng (-7%).

Trường hợp đặc biệt:

  • Đối với các công ty vừa mới niêm yết, tổ chức niêm yết và đơn vị làm tư vấn niêm yết sẽ đưa ra mức giá giao dịch dự kiến để làm giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên. 
  • Biên độ giao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên tối thiểu là +/- 20% so với giá dự kiến. Mức giá khớp lệnh trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ là giá tham chiếu cho ngày giao dịch kế tiếp. Biên độ dao động giá +/- 7% được áp dụng từ các ngày giao dịch tiếp theo.

3. Thời gian thanh toán

Thời gian chứng khoán về tài khoản

Hiện tại trên thị trường Việt Nam, ở tất cả các sàn chứng khoán, thời gian thanh toán là T+2.5. Trong đó: T là ngày khớp lệnh giao dịch mua.

Ví dụ: Bạn khớp lệnh mua 100 cổ phiếu vào ngày Thứ Hai, nhưng bạn không thể bán ra ngay được trên số lượng cổ phiếu đó mà phải đợi T+2.5, tức là 2.5 ngày sau đó (bao gồm ngày giao dịch cổ phiếu), là vào 12h ngày Thứ tư, cổ phiếu mới về tài khoản khi đó bạn mới có thể bán ra (nếu có nhu cầu). 

Thời gian để bán chứng khoán nhận tiền về tài khoản    

Theo quy định hiện tại, thời gian để tiền cổ phiếu khi bán về tài khoản của bạn là T+2. Trong đó: T là ngày khớp lệnh giao dịch bán. Sau thời gian này thì bạn mới có thể rút tiền bán ra được từ tài khoản chứng khoán (nếu cần).

4. Khối lượng giao dịch 

Hiện nay, sàn HoSE (HSX) áp dụng giao dịch tối thiểu 100 cổ phiếu/lô và khối lượng giao dịch phải là bội số của 100.

Ngoại trừ:

  • Đối với các trường hợp giao dịch cổ phiếu lô lẻ từ 1 - 99 cổ phiếu, phát sinh từ việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia tách cổ phiếu, phát hành cổ phiếu.
  • Người giao dịch có thể đăng ký bán trực tuyến trên website của công ty chứng khoán (chọn phần giao dịch lô lẻ) nếu công ty chứng khoán cung cấp tính năng này. Hoặc có thể bán lại cho công ty chứng khoán bằng cách ký vào hợp đồng chứng khoán lô lẻ và gửi lại cho họ.
  • Tùy thuộc vào quy định của công ty chứng khoán sẽ có giá mua các cổ phiếu lô lẻ khác nhau, không tuân theo các nguyên tắc và giao dịch của cổ phiếu lô chẵn.

Điều kiện niêm yết của các công ty trên sàn Hose

san-hose-la-gi-4-1656943806

Điều kiện niêm yết của các công ty trên sàn Hose

Các quy định để được niêm yết trên sàn Hose rất khắt khe, được đánh giá là khó đạt được so với quy định tại sàn HNX (Hà Nội) hoặc Upcom (công ty đại chúng chưa niêm yết). Các doanh nghiệp để có mặt trên sàn Hose cần đảm bảo tính công khai, minh bạch và tài chính vững mạnh, các tiêu chí đó là:

1. Vốn điều lệ: mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 120 tỷ đồng trở lên tính trên báo cáo kiểm toán.

2. Thời gian và tình hình hoạt động của Công ty:

  • Công ty hoạt động ít nhất 02 năm dưới hình thức là Công ty Cổ Phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.
  • 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi.
  • Công ty không thuộc trường hợp vi phạm pháp luật hay các vi phạm liên quan đến vấn đề kế toán và báo cáo tài chính.
  • Công ty và người đại diện theo pháp luật không bị xử lý vi phạm trong vòng 02 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

3. Cơ cấu cổ đông: có tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ.

4. Niêm yết công khai thông tin: mọi khoản nợ đối với thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc), Kế toán trưởng, cổ đông lớn và những người có liên quan.

5. Về việc chuyển nhượng trong nội bộ: Công ty được yêu cầu đối với các cổ đông cá nhân, tổ chức và cổ đông lớn của Công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu trong 06 tháng đầu và 50% số cổ phiếu trong 06 tháng tiếp theo (không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước).

6. Thời gian cổ phiếu đã giao dịch trên UPCom: tối thiểu 02 năm và được đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa.

7. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE)năm gần nhất: tối thiểu là 5%; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm; không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký niêm yết

8. Công ty có yêu cầu đăng ký niêm yết tại sàn Hose: có hồ sơ Đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận

Sàn Hose là nơi giao dịch chứng khoán được các nhà đầu tư lựa chọn đặc biệt là các nhà đầu tư kinh doanh con số lớn đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều đó để cho thấy rằng sự uy tín và sức thu hút nguồn lực đầu tư của sàn Hose là lớn như thế nào.

Một lời khuyên dành cho bạn là nên chọn giao dịch cổ phiếu trên sàn Hose vì có khối lượng giao dịch lớn, tỷ lệ khớp lệnh nhanh, thanh khoản giao dịch lớn nên rất dễ buôn bán khi giá chứng khoán có biến động về giá biên độ lớn (tăng hoặc giảm). Hơn nữa các công ty góp mặt tại đây đều được sàng lọc kỹ càng, có sức mạnh kinh tế.

Tới đây chúng ta đã trả lời được câu hỏi sàn Hose là gì? Hy vọng qua bài viết đã phần nào cung cấp những thông tin bạn đang tìm kiếm, cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.

Tin khác cùng mục

ĐƠN VỊ VẬN CHUYỂN TOÀN QUỐC

A8
A7
A6
A5
A4
A3
A2
A1
A8
A7
A6
A5
A4
A3
A2
A1
A8
A7
A6
A5
A4
A3
A2
A1